Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa hấu Việt trong cuối năm 2021

10:49 30/12/2021

Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất của dưa hấu Việt - đã hạn chế nhập khẩu mặt hàng này của chúng ta do những lý do khách quan và cả chủ quan.

Sản phẩm dưa hấu ở Trung Quốc

Sản phẩm dưa hấu ở Trung Quốc. (Ảnh: Fruitnet)

Nguyên nhân của hiện trạng này được giới chuyên môn giải thích do các cửa khẩu xuất dưa hấu sang Trung Quốc bị ùn ứ nên các thương lái không dám thu mua của bà con. Phần lớn các thương nhân thời điểm này chỉ mua của những chủ ruộng dưa đã đặt cọc vì tiếc tiền. Số dưa sau khi thu mua sẽ đem đi bán ở các tỉnh, thành trong nước chứ không thể xuất sang Trung Quốc như những năm trước vì hàng đoàn xe tải đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu. Tình hình còn tồi tệ hơn khi mớnăm nay ngoài người dân địa phương, nông dân trồng dưa ở các tỉnh đến thuê đất trồng dưa với diện tích ước khoảng 60 ha. Từ nửa tháng trước, nhiều hộ trồng dưa còn bán được giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Đến nay thì thương lái không còn đến thu mua, những vườn dưa bắt đầu thu hoạch đành để ngoài ruộng chờ. 

Bên cạnh đó, những nông dân ở tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên thường tìm tới tỉnh Gia Lai để thuê đất trồng dưa hấu từ nhiều năm qua. Nhưng khác với mọi năm, năm nay dưa hấu vụ Tết đã bắt đầu đến kỳ thu hoạch nhưng hàng ngàn tấn dưa vẫn đang nằm phơi nắng ngoài ruộng vì không có thương lái tới thu mua. Người nông dân của chúng ta có nguy cơ mất tới hàng trăm triệu đồng do việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa hấu do ách tắc ở các cửa khẩu, ảnh hưởng của Đại dịch và việc không có kế hoạch dự phòng từ trước. 

Trước đó, tình trạng ùn ứ nông sản nơi cửa khẩu đã rất căng thẳng. Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng sản xuất là phải có kế hoạch, có phương án và dự phòng rủi ro. Dịch bệnh hay ách tắc xuất nhập khẩu cũng là rủi ro phải tính. Đặc biệt nông sản, cơ bản là sản xuất nhỏ lẻ của bà con nên có liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ được phần nào, quan trọng là phải có công cụ kết nối giữa 3 nhà, đặc biệt là nhà nước-nhà quản lý đối với vùng sản xuất và thị trường.

Bên cạnh đó, đầu nguồn sản phẩm là nhà nông, muốn thoát lệ thuộc thương lái, cần sản xuất sạch hơn, chất lượng hơn – tự tin với đầu ra sẽ chủ động hơn về giá cả, bạn hàng. Doanh nghiệp, thương lái là kênh trung gian, thoát lệ thuộc thị trường truyền thống, phải tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đa kênh, đa dạng hóa thị trường.

Chung quy lại thì chúng ta vẫn cần chiến lược - từ tầm nhìn có hệ thống của cơ quan chức năng, biến thành hành động, và nhân rộng. 

Đỗ Nhung