Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo về rủi ro của tiền điện tử trong bối cảnh 'biến động dữ dội'

13:36 19/05/2021

Ba Hiệp hội tài chính do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã cùng đưa ra một cảnh báo về những rủi ro bắt nguồn từ tiền điện tử, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giá cả biến động gần đây.

Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc thay mặt cho các ngân hàng của nước này, cũng như Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Trung Quốc ngày 18/5 đã cảnh báo  về bất kỳ hoạt động tài chính nào liên quan đến các loại tiền điện tử phổ biến.

Bitcoin đã được giao dịch ở mức khoảng 43.860 đô la Mỹ vào cuối ngày thứ Ba, so với mức 55.000 đô la Mỹ một tuần trước đó. Ảnh: Handout
Bitcoin đã được giao dịch ở mức khoảng 43.860 đô la Mỹ vào cuối ngày thứ Ba (18/5), so với mức 55.000 đô la Mỹ một tuần trước đó. Ảnh: Handout.

Các hiệp hội đã cảnh báo nhà đầu tư các rủi ro của giao dịch tiền điện tử như "không được hỗ trợ bởi giá trị thực", giá tiền điện tử dễ bị thao túng và các hợp đồng giao dịch không được luật pháp Trung Quốc bảo vệ.

Cùng ngày, tài khoản chính thức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trên Wechat cũng cho biết các loại tiền điện tử không nên và không được sử dụng trên thị trường vì chúng không phải tiền thực tế. 

Sự biến động giá tiền điện tử cũng đã trở nên trầm trọng hơn gần đây bởi các bình luận của tỷ phú người Mỹ Elon Musk, người đã mua 1,5 tỷ đô la Mỹ bitcoin vào tháng 2 trước khi nói rằng việc mua xe Tesla của mình bằng bitcoin đã bị đình chỉ do lo ngại về việc sử dụng ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong khai thác bitcoin.

Tỷ phú người Mỹ được ghi nhận là người đã đẩy giá trị của tiền điện tử, bao gồm bitcoin và dogecoin, trong những tháng gần đây.

Bitcoin đã giảm 1,2% xuống 42,771 USD trong giao dịch gần đây. Giá trị của loại kỹ thuật số lớn nhất đã giảm hơn một phần ba kể từ mức cao kỷ lục vào giữa tháng Tư.

Sự biến động giá tiền điện tử đã trở nên trầm trọng hơn gần đây bởi những bình luận của tỷ phú và doanh nhân Hoa Kỳ Elon Musk. Ảnh: Getty Images
Sự biến động giá tiền điện tử đã trở nên trầm trọng hơn gần đây bởi những bình luận của tỷ phú Elon Musk. 

“Giá của tiền điện tử đã biến động dữ dội trong thời gian gần đây,” theo cảnh báo từ các hiệp hội Trung Quốc, vốn không chỉ định một loại tiền điện tử nào, đề cập đến tất cả tiền kỹ thuật số tư nhân nói chung. "Giao dịch đầu cơ tiền mã hoá đã trở lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài sản của người dân và phá vỡ trật tự kinh tế, tài chính bình thường", 3 Hiệp hội nầy cho biết. 

Tuyên bố nhắc lại lệnh cấm hiện tại của Bắc Kinh đối với các tổ chức tài chính và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tham gia vào bất kỳ hoạt động tài chính nào liên quan đến tiền điện tử.

Các ngân hàng và tổ chức thanh toán của Trung Quốc đã được lệnh không chấp nhận bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác như một đơn vị giá. Dịch vụ giao dịch, thanh toán bù trừ và thanh toán tiền kỹ thuật số, cũng bị cấm và các loại tiền kỹ thuật số không thể được sử dụng trong ủy thác đầu tư.

Cảnh báo cũng tuyên bố rằng tiền điện tử không nên được phân loại là tiền. “Chúng không nên và sẽ không được lưu hành trên thị trường như một loại tiền tệ,” 3 Hiệp hội nhận định. 

Chính phủ Trung Quốc luôn có quan điểm kiên quyết đối với tiền điện tử. Họ đã cấm các ngân hàng Trung Quốc giao dịch bitcoin vào cuối năm 2013 khi giá của nó dưới 1.000 đô la Mỹ, dù giá trị lúc đó chỉ bằng một phần nhỏ so với hiện nay

Bắc Kinh cũng có cấm tất cả các hình thức huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số vào năm 2017, buộc nhiều nhà đầu tư tiền điện tử Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài Trung Quốc, cũng có nhiều nhà đầu tư, tỷ phú nổi tiếng lên tiếng chống lại các loại tiền điện như Chủ tịch của Berkshire Hathaway - Warren Buffett đến người sáng lập Microsoft - Bill Gates, và cựu chủ tịch Fed - Janet Yellen.

Ngay cả giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk, được cho là người có những bài viết ảnh hưởng đến việc tăng phi mã của giá bitcoin, gần đây đã phản đối tiền điện tử - với lý do lo ngại về lượng khí thải carbon từ các đồng tiền được khai thác, động thái này diễn ra sau khi  ông đã đầu tư và thu lợi từ bitcoin.

Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh đã cấm giao dịch tiền điện tử, họ vẫn chấp nhận việc khai thác bitcoin và sở hữu cá nhân - một lập trường khoan dung hơn so với các đối thủ thị trường mới nổi như Ấn Độ. 

Theo một báo cáo gần đây của Bloomberg, Trung Quốc là nơi có hầu hết các mỏ khai thác tiền điện tử trên thế giới, với ước tính 70% các điểm khai thác bitcoin trên thế giới đều bắt nguồn từ các địa chỉ IP có trụ sở tại Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều ý kiến tiêu cực, tiền điện tử vẫn tiếp tục trở nên phổ biến trên toàn cầu, với việc bitcoin ngày càng được coi là một kho lưu trữ tài sản khả thi, giống như vàng. Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia đã thực hiện các giao dịch tiền điện tử đầu tiên của mình và ra mắt bàn giao dịch bitcoin vào đầu tháng này. Không chỉ vậy, quỹ tư nhân chỉ sử dụng bitcoin của Morgan Stanley đã được chứng minh là cực kỳ phổ biến trong số các khách hàng giàu có của mình. Đối với một số nhà đầu tư Trung Quốc, tiền điện tử được coi là một sự phát triển đáng hoan nghênh.

Bảo Bảo (Theo SCMP)