Trung Quốc đang là thị trường nguyên liệu dệt may, da giày lớn nhất của Việt Nam

21:13 19/03/2021

Trung Quốc đang là thị trường nguyên liệu lớn của Việt Nam nhưng xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay đang gặp phải một số khó khăn.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 51%, với 1,8 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xếp sau đó là các thị trường: Hàn Quốc với 358 triệu USD, giảm 8,8%; Đài Loan (Trung Quốc): 355 triệu USD, tăng 4,9%... Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 3,16 tỷ USD, chiếm 89,5% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó, từ Trung Quốc là 1,62 tỷ USD, tăng mạnh 82,7%; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,54 tỷ USD, tăng mạnh 51%… so với cùng kỳ năm trước. 

Trung Quốc đang là thị trường nguyên liệu dệt may, da giày lớn nhất của Việt Nam
Trung Quốc đang là thị trường nguyên liệu dệt may, da giày lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay đang gặp phải một số khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm sau các biến động kinh tế và tác động của dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm… 

Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức thương nhân bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở hàng lên biên giới khi vào vụ. Từ đó khiến năng lực thông quan nhất thời không đáp ứng, gây ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và gây áp lực cho công tác quản lý. 

Bộ Công Thương cho biết, dù Bộ Công Thương và UBND các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc (trong đó có Lào Cai) thời gian qua đã liên tục đẩy mạnh công tác thông tin, khuyến cáo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về vấn đề này cho các cơ quan, địa phương và các doanh nghiệp nhưng tình hình chưa có nhiều cải thiện.

Để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa giữ được tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương biên giới phía Bắc để giải quyết vấn đề này.

Hà Linh