Trung Quốc có thể hồi sinh giấc mơ 'Hướng Tây' để cứu nền kinh tế?

00:00 12/10/2020

Trung Quốc muốn thực hiện kế hoạch "Hướng Tây" để cứu nền kinh tế trước sức ép từ Mỹ. Gần 20 năm trước, chiến lược "Hướng Tây" của nước này từng thất bại hoàn toàn.

Theo South China Morning Post, hồi năm 2001, chính quyền Bắc Kinh thông qua dự án xây dựng khu công nghệ nông nghiệp quốc gia tại thị trấn nghèo Đinh Tây ở phía tây bắc Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc kỳ vọng dự án đầy tham vọng này sẽ thu hẹp khoảng cách kinh tế với các thành phố có quy mô tương tự ở phía đông như Phủ Điền (tỉnh Phúc Kiến). Nhưng dự án hầu như không sinh lãi sau 19 năm.

Nó trở thành minh chứng rõ nét cho sự thất bại của Trung Quốc trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa khu vực miền đông thịnh vượng và miền tây lạc hậu. Đinh Tây từng có dân số đông hơn Phủ Điền (phía đông Trung Quốc) vào đầu những năm 2000. Nhưng giờ đã có khoảng 80.000 người rời khỏi thị trấn.

Đinh Tây bị coi là một trong những thành phố đang suy thoái với dân số sụt giảm đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người của Đinh Tây năm 2019 chỉ bằng khoảng 50% trung bình quốc gia. Khoảng cách thu nhập giữa Đinh Tây và Phủ Điền tăng từ 2.000 NDT năm 2002 lên 13.295 NDT (1.879 USD) hồi năm ngoái.

Ke hoach Huong Tay cua Trung Quoc anh 1

Ruộng bậc thang tại Đinh Tây ở phía tây bắc Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Theo đuổi kế hoạch "Hướng Tây"

20 năm sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch phát triển miền Tây đầu tiên, khu vực phía tây của Trung Quốc - chiếm hơn 70% đất liền và 1/3 dân số - vẫn còn nghèo hơn nhiều so với các tỉnh ven biển miền đông.

Nhưng khi Trung Quốc vật vã vì cuộc chiến thương mại với Mỹ và làn sóng phản đối của hàng loạt quốc gia bởi cách Bắc Kinh xử lý đại dịch Covid-19, chính quyền nước này lại một lần nữa hướng đến kế hoạch phát triển miền tây.

Vào tháng 5, chính phủ Trung Quốc công bố chi tiết kế hoạch “Hướng Tây” nhằm phát triển vùng nội địa phía tây trải dài từ Nội Mông phía tây bắc đến tỉnh Quảng Tây phía nam. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh sẽ đối mặt với các thách thức tương tự những gì từng cản trở nỗ lực phát triển miền tây đầu tiên.

“Chiến lược phát triển cũ về cơ bản là sử dụng quyền lực hành chính để đạt sự cân bằng trong khu vực”, ông Li Qilin, nhà kinh tế trưởng tại Yuehai Securities nhận định. “Hai phương tiện chính của chiến lược là trợ cấp tài chính và ưu đãi các những khu vực lạc hậu. Nhưng ưu đãi đã bị chính quyền địa phương bóp méo, tài nguyên bị phân bổ sai”, ông Li giải thích.

Sau sự tăng trưởng chóng mặt của khu vực ven biển từ năm 1980 đến năm 1990, trong 20 năm qua, Bắc Kinh cố lôi kéo đầu tư vào các tỉnh nội địa miền tây, bao gồm hỗ trợ tài chính và tăng hạn mức giao đất để xây dựng. Từ năm 2000, trọng tâm của chiến dịch phát triển miền tây là cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và đưa một số khu vực thoát nghèo.

Ke hoach Huong Tay cua Trung Quoc anh 2

Tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực miền tây Trung Quốc tăng lên không đáng kể. Ảnh: SCMP.

Nhưng dòng vốn đầu tư không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện phát triển công nghiệp của địa phương. Chúng thậm chí khiến một số tỉnh miền tây chìm trong núi nợ và gặp vấn đề về môi trường.

Tỷ lệ đóng góp vào GDP của 12 tỉnh miền tây tăng lên rất ít trong 20 năm qua, chỉ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, khu vực ven biển phía đông đóng góp trên 50%, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.

Mức chênh lệch GDP bình quân đầu người đã tăng từ 7.000 NDT (990.69 USD) năm 2000 lên 40.000 NDT (5.661 USD) năm 2018. Các nghiên cứu chỉ ra kế hoạch đầu tiên của chính phủ Trung Quốc đã tạo ra nhiều vấn đề hơn lợi ích mang lại.

Nguyên nhân thất bại

“Sự thất bại trong việc nhận biết hoàn cảnh địa lý và điều kiện đã dẫn đến một loạt vấn đề như sắp xếp công nghiệp không hợp lý, thúc đẩy đầu tư mù quáng và cạnh tranh không lành mạnh”, theo bài viết của ông Lu Zhongyuan, người đã làm việc trong Hội đồng Nhà nước Trung Quốc 20 năm.

Từ năm 2003 đến năm 2016, hạn mức đất xây dựng tại miền tây Trung Quốc đã tăng từ 20% lên khoảng 35% trên tổng quốc gia. Trong khi đó, bờ biển phía đông giảm từ 65% xuống còn 34%. Theo đó, tỷ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các tỉnh miền tây tăng từ 21% lên 26%% từ năm 2003 đến năm 2016.

Trong cùng khoảng thời gian này, đầu tư vào miền đông giảm từ 52% xuống còn 42%. Tuy nhiên, sự mở rộng đầu tư nhanh chóng vào miền tây mang lại lợi nhuận thấp. Đóng góp chung vào GDP Trung Quốc chỉ tăng vỏn vẹn 4% trong khoảng thời gian này.

Các doanh nghiệp ở miền tây chỉ phải chịu thuế suất 15%, so với mức 33% tại các khu vực khác vào đầu những năm 2000. Năm 2005, doanh thu tài chính bình quân đầu người ở miền tây bằng khoảng 2/3 khu vực phía đông. Trước khi được hỗ trợ phát triển, tỷ lệ này là 1/3.

Tuy nhiên, hàng loạt chính sách này không giúp ích cho các nền kinh tế miền tây như mong đợi. Thay vào đó, chúng khiến khu vực rơi vào tình trạng xây dựng quá mức. Hầu như mọi quận đều có một hoặc hai khu công nghiệp.

Ke hoach Huong Tay cua Trung Quoc anh 3

Kế hoạch phát triển miền tây đầu tiên của Trung Quốc mang đến nhiều vấn đề hơn lợi ích. Ảnh: SCMP.

Một báo cáo năm 2019 của Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho thấy các khu công nghiệp ở phía tây có hiệu quả sử dụng đất để phát triển công nghiệp thấp nhất. Lợi nhuận trên đất công nghiệp chưa bằng 50% bờ đông.

“Hạn mức đất đai và khoản đầu tư khổng lồ khiến chính quyền địa phương ở các khu vực miền tây tích lũy nợ nhiều hơn số tiền họ nhận lại”, giáo sư kinh tế Lu Ming tại Đại học Shanghai Jiao Tong bình luận.

Mặt khác, các tỉnh ven biển phía đông đang vật lộn với hạn mức đất đai để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và lực lượng lao động ngày càng gia tăng. Điều này gián tiếp đẩy giá đất và tiền lương tại khu vực này lên cao, theo nghiên cứu của ông Lu.

Hại nhiều hơn lợi

Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn sau năm 2009. Đó là thời điểm Bắc Kinh tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT (565,2 tỷ USD) để giúp nền kinh tế đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, một số tỉnh miền tây còn phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng. Các tiêu chuẩn môi trường tại đây lỏng lẻo hơn khu vực miền đông. Điều đó dẫn đến tăng lượng khí thải độc hại và ô nhiễm khu vực phía tây sông Dương Tử, nguồn nước uống chính của Trung Quốc.

Từ năm 2005 đến năm 2015, lượng thải sulfur dioxide công nghiệp đã giảm 11% tại miền đông Trung Quốc và tăng 4,5% ở phía tây, theo nghiên cứu của chuyên gia Huang Xiulian từ Đại học Hebei Geo.

Tiền chuyển từ chính quyền địa phương cũng tạo động lực xấu cho các quan chức địa phương. Một số tỉnh miền Tây, bao gồm Quý Châu và Quảng Tây, là những tỉnh mắc nợ nhiều nhất với tổng nợ cao gấp 1,5 lần doanh thu năm 2019, theo tính toán từ ông Li tại Yuehai Securities.

Kế hoạch phát triển mới của Trung Quốc tập trung vào sự tương tác giữa các cụm thành phố khác nhau ở Vùng Vịnh Lớn phía nam và Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc phía bắc.

“Trong vòng phát triển mới của miền tây, chúng ta vẫn cần hiểu rõ về vai trò quyết định của các điều kiện khác nhau như địa lý và tự nhiên đối với lợi thế so sách của địa phương”, ông Lu khẳng định. “Đặc biệt, ở một số nơi cách xa khu vực ven biển, thành phố lớn và cơ sở hạ tầng giao thông, không nên mù quáng theo đuổi sự phát triển công nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Phương Thảo