Trở thành khách VIP của ngân hàng cần có bao nhiêu tiền?

11:13 04/12/2020

Khách hàng VIP đã được nhiều ngân hàng biết đến và chú trọng, nhưng mỗi ngân hàng đều có một “bộ nhận diện” khác nhau để phục vụ và thu hút tệp khách hàng này…

Sau nhiều năm kể từ khi các ngân hàng bắt đầu triển khai các dịch vụ khách hàng VIP, bức tranh nhiều màu về mảng dịch vụ đặc biệt này đang có những khoảng sáng tích cực. Đa dạng về dịch vụ, phong phú về chương trình là những gì nhiều khách hàng trong thời gian qua có thể cảm nhận khi tiếp cận chương trình dành cho VIP của các nhà băng.

Bằng nhiều tên gọi khác nhau như Priority, Pemium, Imperial… các sản phẩm chuyên biệt được nhiều ngân hàng xây dựng cho khách hàng VIP.

Để được nhận diện là khách hàng VIP thì phổ biến các ngân hàng nước ta yêu cầu có tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên. Sau khi trở thành khách VIP, nhưng đến một thời điểm nào đó tài sản không đủ điều kiện như định danh, các ngân hàng thường cho khách hàng một thời gian "đợi", phổ biến là 3 tháng, với các quyền lợi được giữ nguyên, nếu sau thời gian đó mà tài sản không đủ thì sẽ không còn là khách VIP của ngân hàng.

Mỗi ngân hàng đều có
Mỗi ngân hàng đều có "bộ nhận diện" khách VIP riêng của mình. (Ảnh: Minh họa)

Mỗi ngân hàng có một bộ "nhận diện" khách VIP khác nhau. Chẳng hạn như ở VPBank có hai bậc khách VIP là Diamond và Diamond Elite, trong đó khách hàng Diamond phải có tổng tài sản tại ngân hàng này từ 1 - 5 tỷ đồng hoặc ngoại tệ quy đổi tương đương; hoặc có số dư trên tài khoản thanh toán trung bình tại VPBank từ 150 – 500 triệu đồng. Còn khách hàng Elite là có tổng tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên hoặc có số dư trên tài khoản thanh toán trung bình hàng tháng 500 triệu đồng trở lên.

Ở MB cũng có hai loại khách VIP là Priority và Private. Trong đó khách hàng Priority cần đáp ứng một trong các tiêu chí như số dư tiền gửi bình quân 3 tháng từ 1 tỷ đến dưới 20 tỷ đồng; số dư trên tài khoản thanh toán bình quân 3 tháng từ 100 triệu trở lên; doanh số tham gia sản phẩm đầu tư từ 1 tỷ trở lên; tham gia bảo hiểm nhân thọ từ 200 triệu trở lên hoặc dư nợ tín dụng nhóm 1 từ 4 tỷ đồng trở lên. Còn khách hàng Private là những đối tượng siêu giàu, có tài sản tại MB từ 1 triệu USD trở lên (tương đương hơn 23 tỷ đồng). Đây là mảng khách hàng cao cấp nhất vừa được MB đưa vào phục vụ từ tháng 2/2020 với sự hợp tác cùng đối tác tư vấn Bordier & Cie của Thụy Sĩ, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Trên thị trường, MB Private cũng là nhóm khách hàng cao cấp nhất với tài sản lớn nhất được định danh hiện nay.

Tại Vietcombank, khách VIP được nhận diện khi có số dư bình quân 12 tháng liền trước từ 2 tỷ đồng trở lên; hoặc tại thời điểm định danh có số dư 2 tỷ trở lên và cam kết duy trì số dư tối thiểu 2 tỷ trong 6 tháng tiếp theo. Về tiền vay, khách hàng cũng được nhận diện là Priority khi có dư nợ 12 tháng liền trước từ 3 tỷ trở lên hoặc tại thời điểm định danh có dư nợ nhóm 1 từ 3 tỷ trở lên và cam kết vay tối thiểu 3 tỷ trong 6 tháng tiếp theo. Khách hàng nếu có thu nhập bình quân tháng trong 12 tháng gần nhất từ 50 triệu đồng trở lên cũng được nhận diện là khách vip của Vietcombank.

Tại Techcombank, khách Priority của nhà băng này cần đáp ứng điều kiện cơ bản là trong 3 tháng liên tiếp gần nhất có tài sản bình quân tại Techcombank từ 1 tỷ trở lên. Tài sản đó có thể là tiền gửi tiết kiệm, tài khoản thanh toán hoặc trái phiếu, chứng chỉ quỹ…

ACB, khách hàng được định danh là ACB Privilege Banking duy trì tài khoản cá nhân tại ngân hàng tối thiểu 2 tỷ trong vòng 6 tháng.

Ở BIDV, khách hàng cao cấp có tên gọi Premier với tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng lại phân chia tiếp khách VIP ra các hạng để phục vụ riêng như hạng kim cương có tiền gửi bình quân trong 1 quý từ 10 tỷ trở lên, hạng bạch kim có tiền gửi bình quân quý từ 3 tỷ đến dưới 10 tỷ và hạng vàng có tiền gửi trong quý từ 1 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng.

Không phải ngẫu nhiên các ngân hàng chịu đầu tư công sức và chất xám cho những chương trình phục vụ khách hàng VIP, bởi đây là lĩnh vực mang lại doanh thu cao, phát triển chắc chắn và ít rủi ro hơn.

Thông thường, ngân hàng chỉ cung cấp các dịch vụ mà họ đang triển khai. Tuy nhiên với nhóm khách hàng VIP, ngân hàng không cung cấp dịch vụ họ có mà bán các dịch vụ khách hàng cần, từ nhà hàng, khách sạn, máy bay, du lịch, bảo hiểm, nhu cầu khám chữa bệnh, mua sắm, dịch vụ làm đẹp, thể thao, giải trí cho đến đầu tư, quản lý tài sản…

Sở dĩ nhóm khách hàng này được coi trọng như vậy, vì theo lãnh đạo các ngân hàng, họ đóng góp tới 60 – 70% doanh thu của mỗi chi nhánh.

Theo một số chuyên gia tài chính nhận định: Dù chương trình cho khách hàng VIP đa dạng về dịch vụ và phong phú về hình thức ưu đãi thì cuối cùng thước đo chất lượng hoạt động của các chương trình ấy vẫn là độ hài lòng của khách hàng. Chính vì thế, mỗi lời phàn nàn của khách hàng có thể khiến “tiền tỷ đội nón ra đi”, nên mỗi ngân hàng đều có cách riêng tận dụng ưu thế để chiều chuộng khách VIP.

Trang Nhi (T/H)