Triệu Như Phát: “Tỷ phú nghèo” sở hữu khổi bất động sản trăm triệu đô tại Mỹ

10:18 13/04/2021

Doanh nhân Triệu Như Phát là chủ của Tập đoàn bất động sản Bridgecreek với tài sản lên tới 500 triệu USD. Ông là người sáng lập ra Trung tâm thương mại Asian Garden Mall. Ông Phát nắm giữ khối tài sản hơn nửa tỷ đô nhưng ít ai biết rằng người đàn ông ấy là người Việt di dân đến Mỹ với hai bàn tay trắng.

Doanh nhân Triệu Như Phát. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Triệu Như Phát. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhân Triệu Như Phát sinh ra tại Hải Phòng, năm 7 tuổi, ông theo gia đình vào Sài Gòn. Lớn lên trong gia đình có đến 10 anh chị em, ông phải vất vả lắm mới tốt nghiệp đại học ngành văn và ngoại ngữ. Ngay từ năm 11 tuổi, Triệu Như Phát đã phải rời khỏi gia đình đi bán báo để lấy tiền nuôi sống bản thân. Năm 27 tuổi, ông Phát cùng vợ sang Mỹ, trong túi ông khi đó chỉ còn vỏn vẹn đúng 50 xu. Họ sống trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Whittier, bang Califorina và nhờ vào khoản trợ cấp ít ỏi của chính phủ Mỹ trong vòng 6 tháng đầu để sinh sống. Không nhà, không tiền, ông đã phải bán luôn chiếc áo khoác đang mặc trên người để lấy tiền mua thức ăn. Công việc mưu sinh đầu tiên trên đất Mỹ là gõ cửa từng nhà để chào bán máy hút bụi. Không ít lần, câu trả lời ông nhận được sau tiếng gõ cửa là cái lắc đầu lạnh lùng và tiếng sập cửa. 

Khi đó, chàng trai trẻ Triệu Như Phát không vội vã làm giàu mà muốn có trước hết một nền tảng kiến thức vững chắc. Vì thế, ông chấp nhận làm công việc bảo vệ để đi học thêm. Chỉ ba tuần sau đó, ông nghỉ việc và xin làm bảo vệ ca đêm. Ban ngày, ông làm thêm công việc dạy nghề cơ khí tự động và tham gia các lớp học về tài chính, bất động sản và xây dựng ở các trường cao đẳng địa phương. Những năm đầu trên đất Mỹ, cuộc sống quá nhiều khó khăn, có lúc không biết phải xoay xở thế nào và ông cảm thấy bế tắc.

Trong vòng một năm, ông đã lấy được giấy phép hành nghề và xin vào làm cho một công ty địa ốc của Mỹ. Với mỗi hợp đồng bán nhà, ông Jao kiếm được khoảng 1.000 USD và bằng cách làm việc 16 giờ một ngày, ông kiếm được hơn 100.000 USD trong năm đầu tiên. 

Ba năm sau khi đặt chân đến Mỹ, tức năm 1978, sau những vất vả, khó nhọc, ông tự đứng ra mở một cơ sở kinh doanh riêng của mình: công ty Bridgecreek - chuyên phục vụ về đầu tư và phát triển địa ốc, với số vốn một nửa là của ông, nửa còn lại do một người Mỹ gốc châu Âu - Giám đốc một ngân hàng Mỹ đóng góp.

Dồn hết tâm huyết vào đây, suốt 10 năm trời gần như tuần nào ông cũng làm việc 7 ngày với hơn 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đã đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (còn mang tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ.

Sau gần 30 năm, Công ty Bridgecreek phát triển rất mạnh và trở thành Bridgecreek Group Inc. chuyên đầu tư bất động sản ở nhiều nơi với số vốn lên đến khoảng hơn 500 triệu USD và có văn phòng toạ lạc tại Little Saigon.

Cha đẻ của Little Saigon

Nhiều năm qua, Khu thương mại Phước Lộc Thọ vẫn được biết đến như một thương xá sầm uất nhất tại khu Little Saigon, quận Cam, bang California (Mỹ). Khu thương mại này gắn liền với “tổng công trình sư” của nó là ông Frank Jao (tên Việt là Triệu Như Phát), 63 tuổi, một doanh nhân cực kỳ thành đạt tại California. 

Triệu Như Phát: “Tỷ phú nghèo” sở hữu khổi bất động sản trăm triệu đô tại Mỹ. Nguồn ảnh: Internet
Triệu Như Phát - “Tỷ phú nghèo” sở hữu khổi bất động sản trăm triệu đô tại Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.

Theo lịch sử ghi chép của các cơ quan địa phương, chính quyền tiểu bang và Chính phủ Hoa Kỳ, ông Frank Jao chính là một trong những người khởi xướng và tạo dựng nên khu Little Saigon, một việc không hề dễ dàng đối với một di dân như ông.

Đối với người châu Á, lúc ấy, quận Cam còn là một vùng đất mới, chưa hình thành một khu vực sinh hoạt cộng đồng và mua sắm dành cho dân nhập cư. Hàng ngày, những người nhập cư từ các nước châu Á phải đổ về Los Angeles mua sắm.

Từ thực tế đó, ông đã cất công bỏ thời gian đi tìm địa điểm, vị trí để xây dựng nên một khu thương mại phục vụ nhu cầu của người dân gốc Á.

Ông nhận ra khu vực Little Saigon là một địa đểm khá thuận lợi vì nhiều lý do: đây là vùng đất chưa được khai thác hết tiềm năng, nhiều nơi trong vùng còn đất trống chỉ để trồng dâu; mặt khác, người Mỹ bản xứ không tập trung sinh hoạt tại đây, đa phần họ sử dụng khu này làm nơi đậu ô tô phế thải hoặc để lốp xe cũ; lợi tức của dân cư trong vùng tương đối thấp do đó giá đất rẻ hơn so với những vùng khác.

Ông Jao cùng hai người bạn khác, sau khi khảo sát, đã mạnh dạn đầu tư những cơ sở kinh doanh ban đầu tại vùng này. Văn phòng công ty khai thác địa ốc do ông Jao làm chủ đã mở ra và chính thức hoạt động nhằm phục vụ lợi ích và nhu cầu của người dân trong vùng.

Ông Ngô Khôn Hán, một doanh nhân gốc Việt cũng khai trương một siêu thị bán đủ các loại mặt hàng phục vụ nhu cầu hằng ngày. Rồi tiếp theo là một nhà thuốc Tây do ông Quách Nhất Danh đứng ra khai trương phục vụ người dân trong vùng.

Khu Little Saigon bắt đầu hình thành sự khởi nghiệp của 3 thương gia gốc Việt này. Theo đà phát triển, khu Little Saigon dần trở nên lớn mạnh và ngày nay nơi đây tập trung hơn 6.000 thương nghiệp lớn nhỏ do người Việt đứng ra kinh doanh và hoạt động.

Little Saigon được mệnh danh là khu thương mại quả không sai chút nào vì đây chính là khu giao dịch, mua bán rất sầm uất của cộng đồng người Việt tại Cali. Nó còn là khu văn hoá vì mang đậm nét văn hoá, tính dân tộc và bản sắc Việt không lẫn vào đâu được.

Thành công trong lĩnh vực kinh doanh, tạo được uy tín và tên tuổi trên thương trường, thế nhưng ông cũng là người tích cực tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm đem đến những lợi ích thiết thực cho Việt Nam.

Vào năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban Giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là một quỹ trực thuộc Nhà Trắng chuyên hỗ trợ trao đổi giáo dục Việt - Mỹ, từng cấp học bổng cho hàng trăm trí thức Việt Nam sang Mỹ để tu nghiệp, học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Sau đó, ông trở thành Giám đốc của VEF.

Trong quá trình tham gia hoạt động với tư cách là Hội đồng thành viên của VEF, nhận thấy ông là người có khả năng, am hiểu về Việt Nam và có tâm với Việt Nam, Tổng thống Bush đã tái bổ nhiệm ông thêm 2 nhiệm kỳ nữa trong Hội đồng Quản trị.

Năm 2005, ông được những thành viên hội đồng tín nhiệm và bầu ông giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEF. Trong thời gian này, ông đã đưa ra nhiều chính sách, chiến lược có lợi cho Việt Nam, xúc tiến tìm cách giảm thiểu sự dị biệt về ý kiến và cố gắng tạo nên một mối giao hảo giữa chính phủ Mỹ và Việt Nam nhằm thúc đẩy tốt hơn hoạt động giáo dục trong nước.

Ông đã cùng một số thương gia Mỹ lập ra một quỹ mang tên V – Home Fund, do ông đứng đầu và quản trị. Nhằm đáp lời kêu gọi của thủ tướng Phan Văn Khải nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2005, nhóm thương gia này quyết định quay về đầu tư trên quê hương.

Một trong những kế hoạch mà quỹ V – Home Fund đang triển khai là đầu tư vào chợ đầu mối Bình Điền để xây dựng một trung tâm phân phối thực phẩm, tìm cách xuất khẩu hàng sang Mỹ và một số quốc gia khác. Trung tâm này có khả năng tạo ra 30.000 việc làm cho người lao động và thiết lập nơi trú ngụ cho hàng trăm công nhân trong nước.

Tờ Orange County Register từng vinh danh ông là “1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng và làm thay đổi bộ mặt của quận Cam” (100 people who shaped Orange County).

Website Goldsea.com đăng tên ông vào danh sách 70 người Mỹ gốc châu Á có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Nhiều năm liền, trong danh sách “50 doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong năm” của tờ Orange County Business Journal luôn có tên Frank Jao. Báo chí Mỹ viết về ông như một “hiện tượng”, một tấm gương của sự phấn đấu, vươn lên để đạt được thành công.

Khi được hỏi: “Ông có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm làm ăn cho giới trẻ Việt Nam?”. Ông từ tốn trả lời: “Ngoài những khả năng của mình kết hợp với nhiều yếu tố khác, trong kinh doanh, việc cập nhật thông tin, tiếp nhận thông tin và phân tích, đánh giá tình hình từ những nguồn tin đó để tìm cơ hội đầu tư là điều quan trọng. Cơ hội và thời cơ mới có đến với mình hay không chính là nhờ vào khả năng tiếp nhận, đánh giá và xử lý thông tin đó”.

TH