Trào lưu review phim: một con dao hai lưỡi?

16:33 02/07/2021

Review phim mang đến cho người xem một trải nghiệm mới, người ủng hộ vẫn có, người phê phán, “tẩy chay” cũng không thiếu. Và với một số người, tác phẩm điện ảnh cũng như “đứa con” của đạo diễn, đến được với người xem một bản hoàn chỉnh mới thực sự là thành công và viên mãn. Người trân trọng giá trị của bộ phim sẽ có cách lựa chọn nói “không” với review phim, người bận rộn nhưng vẫn cần giải trí sẽ tặc lưỡi cho qua và tiếp tục chìm đắm vào những video ngắn dưới 15 phút.

Về điểm “được”, xem review phim tiết kiệm vô số thời gian và tiền bạc. Bạn chỉ cần mất vài phút để quyết định có muốn thưởng thức trọn bộ tập phim này hay không, thay vì dành 120 phút rồi thất vọng tràn trề bởi không như mình tưởng tượng. Một điểm nữa khiến cho review phim “ăn khách” như ngày nay đó chính là sự phong phú về thể loại phim, thời gian xem phim bất kể mọi khung giờ nào trong ngày và số lượng tác phẩm điện ảnh mà bạn có ở trong tay trở nên đồ sộ.

Về điểm “mất”, hình thức review phim này bị cho rằng đã làm biến thể một tác phẩm điện ảnh, làm méo mó đi nội dung và thông điệp gửi gắm qua diễn xuất của nhân vật xuyên suốt bộ phim bởi lẽ, những cảnh đặc tả cảm xúc hay hội thoại của diễn viên, hay các pha twist trong phim đều bị lược cả. Đặc biệt, một số trang review muốn câu kéo, tăng lượt theo dõi đã phiên dịch sai câu thoại của nhân vật, dùng những động từ, tính từ mạnh có nghĩa trái ngược hoàn toàn so với bản gốc. 

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều tài khoản “hành nghề” review phim trên Facebook, YouTube, Tiktok... Các tài khoản này có “công suất” hoạt động rất cao, một ngày có thể đăng tải 7-8 video được cắt ghép từ trailer (giới thiệu tóm tắt) của nhà sản xuất công bố. Có thể nói đây là một pha lách luật, khó kiểm soát nội dung và bản quyền.

Các tài khoản review phim thậm chí còn thuật lại cả những bộ phim đang được công chiếu hoặc vừa ra mắt trên các nền tảng xem phim trực tuyến. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của phim cũng như trải nghiệm xem phim của khán giả. Huyền Linh (23 tuổi, ngụ quận 11) chia sẻ: “Vài ngày sau khi Cruella (2021) công chiếu, tôi vô tình thấy một video review phim, có lượt xem rất cao và vào xem thử. Nhưng nào ngờ, video đã kể toàn bộ nội dung phim. Sau đó, tôi cũng không còn hứng thú với bộ phim như lúc trước vì đã biết hết các tình tiết quan trọng”. 
Không chỉ làm khán giả “mất hứng”, họ còn ẩu đến mức làm tóm tắt khi chưa xem hết phim.

Tấn Phương (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết: “Tôi đã xem một số clip của tài khoản King review trên Facebook và bức xúc đến mức không thể xem đến hết. Họ đã kể lại toàn bộ nội dung chính của phim, đây là điều tối kỵ trong việc bình luận và đánh giá. Đã thế, một số clip còn kể sai lệch đến 50% nội dung của phim”.  
Không phải tự nhiên mà việc tiết lộ nội dung phim bị xem là cấm kỵ. Cách đây không lâu, khi bộ phim Bố già công chiếu, nhà sản xuất yêu cầu người xem, các reviewer (người bình luận và đánh giá phim) không được tiết lộ những tình tiết quan trọng và gây bất ngờ của phim. Hầu hết các kênh, trang review uy tín luôn đảm bảo không tiết lộ các nội dung chính của phim đang chiếu rạp hoặc vừa được ra mắt. Với những phim đã được chiếu từ lâu, người xem cũng được cảnh báo rằng một số nội dung phim sẽ được tiết lộ.Tuy nhiên, các tình tiết gây bất ngờ cũng được hạn chế nhắc đến. Việc này nhằm đảm bảo khán giả có những trải nghiệm tốt nhất khi xem phim cũng như tôn trọng đội ngũ sản xuất.

Khi xem một bộ phim, khán giả sẽ được đắm mình vào bối cảnh phim, đồng hành cùng nhân vật và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Các video kiểu này hoàn toàn không thể thay thế trải nghiệm xem phim mà chỉ làm mất đi tính tò mò của khán giả đối với một bộ phim. Hành động này đang đánh trực tiếp vào ngành sản xuất phim ảnh - vốn đã rất khó khăn trước dịch bệnh. Cách đây vài ngày, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ 3 đối tượng với hành vi tự ý cắt ghép cảnh phim và đăng trên YouTube.

Những “phim nhanh” này bao gồm các clip và hình ảnh tĩnh để tóm tắt ngắn gọn về một bộ phim và được chỉnh sửa mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền, ví dụ như các công ty phát hành phim. Các đoạn tóm tắt thường kéo dài 10 phút hoặc ngắn hơn, theo The Japan Times đưa tin, và những tóm tắt phim này sẽ giải thích toàn bộ cốt truyện của một bộ phim từ đầu đến cuối cho những ai không có thời gian hoặc không muốn xem toàn bộ.

Theo tờ The Japan Times, hai trong số ba người bị bắt trong tuần này lần lượt có độ tuổi 25 và 42. Cảnh sát cho biết những người tạo video đã nhận được doanh thu quảng cáo với số lượt xem.

Luật bản quyền rất phức tạp và khác nhau giữa các quốc gia, cũng như các định nghĩa về sử dụng hợp pháp. Cơ quan phụ trách các vấn đề văn hóa của chính phủ Nhật Bản cho biết luật bản quyền của Nhật Bản "được quy định nghiêm ngặt để không làm tổn hại quá mức đến lợi ích của chủ sở hữu bản quyền và không ngăn cản việc sử dụng bình thường các tác phẩm có bản quyền."

Bà Phạm Thiên Trang, biên kịch tại TP.HCM khẳng định, việc này là xuyên tạc nội dung tác phẩm. "Việc này khiến nội dung của sản phẩm dẫn bị đánh giá sai lệch", bà Trang cho biết.

Theo đạo diễn Tuấn Kiệt, Giám đốc sản xuất tại Kites Entertaiment, những nội dung review phim núp bóng trên có thể khiến khán giả thất vọng về toàn bộ nội dung phim, gây tổn thất cho nhà sản xuất.

"Vì tác giả clip thuật lại câu chuyện phim theo lối diễn giải đơn điệu, xoá sổ hoàn toàn vai trò tác giả của biên kịch và đạo diễn khiến khán giả không còn hứng thú với nội dung phim. Họ sẽ không ra rạp nữa", ông Kiệt nói thêm.

Quan trọng nhất là những cảnh trong video được cắt từ bộ phim đầy đủ mà không mua bản quyền và quyền sử dụng của những người làm ra bộ phim.

"Với các bên sở hữu như nhà sản xuất phim, ekip làm phim, đạo diễn, nhóm nhà phát hành phim, các nhà tài trợ... thì hình thức này đúng nghĩa là một dạng spoil phim, vi phạm bản quyền nghiêm trọng", ông Kiệt phân tích.

Như vậy có thể thấy sự mập mờ giữa review phim và vi phạm bản quyền đang tạo lỗ hổng lớn cho nhiều người kiếm tiền từ việc đọc lại toàn bộ nội dung phim.

Liệu rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng Việt Nam và khán giả Việt nên hành động? 

An Vy (tổng hợp)