Trăm đường khó khi xuất khẩu qua siêu thị

00:00 12/10/2020

Hàng Việt vào hệ thống siêu thị tại thị trường Việt Nam khó một, xuất khẩu qua kênh phân phối này còn khó hơn nhiều. Ngoài việc vượt qua hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, giá cả phải cạnh tranh, bao bì sản phẩm cũng cần bắt mắt, có thông điệp mời gọi giao tiếp với khách hàng.

Hàng Việt Nam đã được xuất khẩu (XK) đi khắp nơi trên thế giới nhưng thường qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Thực tế, tỷ lệ hàng Việt XK trực tiếp thông qua các kênh phân phối tại nước ngoài còn rất hạn chế.

Chiếm tỷ lệ rất thấp

Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” do Bộ Công Thương triển khai sau 3 năm đã thu được những kết quả khả quan. Các hệ thống siêu thị như Aeon, Cetral Group, Lotte, MM Mega Market... đang nâng mục tiêu đưa hàng Việt sang các nước.

Hệ thống siêu thị MM Mega Market đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam, kênh phân phối này đã thu hút một lượng lớn hàng hóa có tính bản địa cao như thanh long, khoai lang... XK về Thái Lan.

Hay siêu thị Aeon (Nhật Bản) đang XK 250 triệu USD/năm giá trị hàng hóa của Việt Nam. Theo cam kết của Aeon, đến năm 2020, giá trị XK hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối này sẽ tăng lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD...

Bình quân mỗi năm, tập đoàn Central Group XK 46 triệu USD hàng hóa Việt Nam trở lên, con số này đang tiếp tục tăng trưởng.

Bên cạnh kết quả trên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận hàng hóa XK của Việt Nam nói chung và qua các kênh phân phối nói riêng dù đã có mặt tại nhiều thị trường, song phổ biến nhất vẫn phải thông qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Hàng XK trực tiếp cho các mạng lưới phân phối chiếm tỷ lệ rất thấp, cả về số lượng và giá trị kim ngạch.

Nhiều DN Việt Nam phản ánh việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi DN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.

Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên các DN vẫn gặp những khó khăn nhất định. Tiêu thụ qua các siêu thị trong nước khó một, XK qua các kênh phân phối này khó gấp 10 lần.

Theo ông Nich Reitmeier - Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm - ẩm thực quốc tế và thức uống có cồn của Central Group, các DN Thái Lan đánh giá chất lượng sản phẩm Việt Nam rất tốt, phù hợp khẩu vị của người tiêu dùng Thái.

“Người Thái đánh giá cao về chất lượng hàng Việt nhưng vì bao bì lạ và quá đơn giản nên khiến họ có tâm lý kém tin tưởng vào chất lượng sản phẩm bên trong. Ví dụ, bánh phồng tôm của Việt Nam ngon hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan nhưng bao bì chưa phù hợp bởi thiếu tiếng Anh hoặc tiếng Thái”, đại diện Central Group cho biết.

Vì vậy, phía Central Group đề xuất các nhà sản xuất Việt khi XK vào Thái Lan cần chú trọng bao bì sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng người Thái. Chưa kể, hàng hóa XK vào thị trường Thái Lan phải ghi rõ nguyên liệu, thành phần cụ thể. Nếu là đồ uống, thực phẩm phải có chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan.

Theo tập đoàn Aeon, Aeon có những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt đòi hỏi hàng hóa bán hàng qua Aeon phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành như JIS, SIK của Nhật và các tiêu chuẩn riêng từ Aeon (từ nuôi trồng, sản xuất cho đến phân phối hàng hóa...).

Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như hàng may mặc, đồ gia dụng, thực phẩm... vẫn thua hàng hóa từ các nước khác nhập khẩu vào Nhật. Trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho Aeon Việt Nam, chỉ có khoảng 200 - 300 DN có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và có kinh nghiệm XK để đưa được hàng hóa vào hệ thống siêu thị Aeon Nhật.

Xuất khẩu hàng Việt qua kênh siêu thị còn khiêm tốn

Học người Thái cách xúc tiến

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết một số nhà bán lẻ quốc tế kể rằng qua Việt Nam thấy hàng đặc sắc muốn hỗ trợ XK nhưng hỏi tiêu chuẩn thì không có, hỏi các thủ tục, điều kiện để đáp ứng XK thì DN không đáp ứng nổi.

Hơn nữa, hạn chế của hàng hóa Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ sự am hiểu nhu cầu thị trường, mẫu mã sản phẩm. Các DN chưa tìm hiểu kỹ những thị hiếu của thị trường mình theo đuổi. Bên cạnh đó, hầu hết DN Việt chưa có chiến lược cụ thể và chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới.

Các nước ASEAN như Singappore, Thái Lan, Malaysia... đều có chương trình đặc biệt của Chính phủ giúp DNNVVN của họ XK mà có người Việt Nam được mời làm cố vấn, giảng dạy... “Vậy phải chăng bụt chùa nhà không thiêng”, bà Hạnh đặt vấn đề.

Tại sao Việt Nam không thiếu chuyên gia hỗ trợ XK mà đến giờ DN Việt vẫn gặp phải những điểm yếu căn bản như vậy. Theo bà Hạnh, trong khi phần lớn DNNVV Việt Nam chỉ quẩn quanh với thị trường nội địa, khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ DN, bị bào mòn bởi gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí không chính thức, DNNVV Thái Lan đang được Chính phủ của họ hỗ trợ một cách rất bài bản, cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh XK, trong đó có thị trường Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.

Điều này cho thấy, bằng nhiều chính sách hỗ trợ khôn khéo, Nhà nước và DN lớn đang đẩy mạnh quảng bá hàng Thái ở Việt Nam thông qua các hội chợ hàng Thái.

“Tất nhiên, hội chợ hàng Thái đang giảm sức thu hút nhiều vì đa phần là hàng đã có sẵn ở Việt Nam nhưng cái cần tìm hiểu là các chính sách hỗ trợ và sự liên kết giữa các DN Thái”, bà Hạnh nhấn mạnh và cho rằng Việt Nam cần phải học tập người Thái trong cách làm xúc tiến thương mại.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiến hành phối hợp với các tập đoàn, DN của nước ngoài tổ chức những lớp tập huấn để cung cấp cho DN Việt Nam kiến thức, thị trường, sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng tại các nước.

Qua đó, Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, địa phương và đối tác của nước ngoài để lựa chọn DN Việt Nam có đủ năng lực tham gia đề án.

Đại diện Central Group khuyến nghị thay vì DN ngồi nhìn sản phẩm và thắc mắc sản phẩm mình tốt nhưng không vào được siêu thị lớn trên thế giới, các DN cần phải đầu tư cho nhãn mác, bao bì của mình trước tiên.

Chất lượng sản phẩm rất quan trọng nhưng chưa đủ, sản phẩm của DN phải có bao bì đặc sắc, hay nói nôm na là “mặc thêm quần, thêm áo”, có các thông số biết nói để tiếp cận với người tiêu dùng.

Lê Thúy