TP Sầm Sơn: Độc đáo Lễ hội Bánh chưng, bánh giày

00:00 12/10/2020

Sầm Sơn - vùng đất nhận được nhiều sự ưu ái của thiên nhiên. Con người Sầm Sơn chịu khó, cần cù lao động, thân thiện, cởi mở… Sự hòa quyện kết tinh giữa thiên nhiên đất trời và con người nơi đây đã để lại những truyền thống văn hóa đặc sắc và có giá trị. Lễ hội Bánh chưng bánh giày Sầm Sơn là sự tiếp nối truyền thống và là kết tinh văn hóa ngàn đời của người dân vùng biển nơi đây.

Chương trình nghi lễ cúng tế thần linh

Theo truyền thống, hàng năm cứ đến ngày 12-5 âm lịch, TP Sầm Sơn lại tổ chức Lễ hội Bánh chưng, bánh giày. Ngay từ sáng sớm đã diễn ra nghi thức rước kiệu truyền thống của các đoàn cùng nhân dân tất cả các xã, phường. Hàng ngàn người trong trang phục truyền thống tham gia đoàn rước kiệu.

Một trong nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc của Lễ hội 

Theo lời kể của các cụ cao niên ở Sầm Sơn, Lễ hội Bánh chưng bánh giày vốn có tên là Lễ hội Cầu mưa (tên chữ là Đảo vũ), là lễ hội của cư dân nông nghiệp. Trước Cánh mạng Tháng 8/1945, lễ hội này diễn ra không theo một ngày tháng nào cố định nào. Chỉ những năm nắng nhiều, hạn hán, nông nghiệp không được mùa thì Tri phủ mới sức cho các huyện tổ chức Lễ hội Cầu mưa. Có khi 1, 2 năm tổ chức một lần; có thời gian lâu nhất chừng 13 năm mới lại tổ chức. Địa điểm tổ chức lễ hội cũng không theo một nơi nhất định mà thường do quan huyện lựa chỗ có bãi trống, nhiều bóng mát, đủ điều kiện chọn làm nơi tổ chức lễ hội. Làng xã chịu trách nhiệm đăng cai dựng rạp, lập đàn cúng tế trời đất cho buổi lễ.

Các đơn vị nhóm lửa để làm bánh

Là lễ hội của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, vượt qua sự khắc nghiệt bất thường của thời tiết để mùa màng tốt tươi, nên lễ vật chính là bánh chưng bánh giày tượng trưng cho trời đất, âm dương. 

Ngày nay Lễ hội Cầu mưa có tên là Bánh chưng, bánh giày, bởi người ta gọi theo vật phẩm chính của buổi tế lễ. Từ năm 1992, lễ hội lần đầu tiên được tổ chức lại vào ngày 12/5 âm lịch, và đã trở thành lễ hội hàng năm của Sầm Sơn. Mục đích để lưu giữ lại nét văn hóa tốt đẹp của quê hương, bên cạnh đáp ứng nhu cầu tâm linh cầu cho mùa màng tốt tươi, đồng thời là sự tái hiện một nét văn hóa tâm linh truyền thống và là sản phẩm du lịch độc đáo của Sầm Sơn, góp phần thu hút du khách.     

 Người dân địa phương và du khách háo hức tham gia lễ hội

Bà Cao Thị M (phường Trường Sơn), chia sẻ: “Tôi đã tham gia làm bánh giày từ khi còn nhỏ. Mỗi khi đến ngày Lễ hội Bánh chưng bánh giày tôi rất vui, phấn khởi và thấy khỏe hẳn ra. Những người già như chúng tôi tham gia làm bánh, còn giã bánh là việc của các thanh niên trai trẻ. Lễ hội bánh chưng, bánh giày truyền thống của thành phố Sầm Sơn là dịp để chúng tôi tạ ơn trời đất, tạ ơn Đức thánh Độc Cước chân nhân và các vị thần đã phù hộ độ trì cho muôn dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc; cầu cho mưa thuận gió hòa để du lịch Sầm Sơn thành công, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy thuyền”.

Sau khi kết thúc lễ hội bánh chưng, bành giày, TP Sầm Sơn sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội cầu ngư - bơi chải vào ngày 3-7. Địa điểm tổ chức tại khu vực Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến với phần tổ chức nghi lễ tẩy tịnh và lễ thỉnh, cầu an theo nghi lễ truyền thống.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng chương trình “kích cầu” du lịch nội địa của TP biển.

Một số hình ảnh của các đơn vị tham gia cuộc thi:

Minh Hiền