TP.HCM: Nhiều chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy vì Covid-19

06:38 20/01/2022

Chiều 19.1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.

Theo đó, thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nguồn cung giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất gián đoạn cục bộ từng vùng, địa phương. Người dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, vận chuyển, lưu thông nguồn hàng, khó khăn về nguồn lao động do bị cách ly, khó khăn về tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, lãi ngân hàng, thuế... 

Các nhà vườn trồng hoa thu hoạch ra không bán được, các cửa hàng hoa đã ngừng hoạt động, thương lái ngừng thu mua. Đối với hoạt động chăn nuôi khâu cung cấp thức ăn, nhất là các loại nguyên vật liệu, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi cho bò sữa, bò thịt bị thiếu hụt, giá thức ăn tăng, đối với các hộ nuôi bò sữa có sản phẩm bán qua kênh không thuộc các công ty có địa điểm thu mua trên địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất.  

Nước cốt dừa nước, một sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp TP.HCM
Nước cốt dừa nước, một sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp TP.HCM. (Ảnh: PV)

Đến cuối tháng 8, hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân được triển khai qua hình thức combo nông sản. Sở đã thực hiện kết nối 1.544 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm. Tiêu thụ thành công với sản lượng 300 - 400 tấn/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn nông sản. Túi an sinh combo kết hợp 5 loại nông sản, tổng trọng lượng 10 kg/túi.

Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông lâm thủy sản thành phố giảm gần 13,7%. Giá trị sản xuất bình quân/ha/năm chỉ đạt 498 triệu đồng/ha, giảm 9,7% so cùng kỳ; năng suất lao động nông nghiệp ước đạt 138,2 triệu đồng/người/năm, giảm 8,5% so cùng kỳ.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu: Trong thời gian dịch bệnh diễn ra chuỗi sản xuất cung ứng nông sản bị đứt gãy trầm trọng, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí trên bờ vực phá sản. Tôi đi tiếp xúc nhiều người họ cho biết chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi và cũng không còn tài sản gì để thế chấp, cầm cố. Chính vì vậy, các cơ quan ban ngành cần vào cuộc hỗ trợ họ ở điểm này. 

ĐT