TP.HCM: Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp giảm, hàng tồn kho tăng

10:53 02/10/2021

Sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh trong tháng 9 năm/2021 tiếp tục giảm sút, do thời gian giãn cách kéo dài.

Kéo theo đó, doanh nghiệp khó đảm bảo tiến độ giao hàng, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, DN không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9/2021 cũng tăng 14,9% so cùng với cùng kỳ.

Ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (tính từ ngày 27/4/2021) với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh và rộng diễn ra tại nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vưc phía Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh trong vòng 03 tháng qua, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và doanh nghiệp (DN). Vào tháng 7/2021, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và nhà máy phải dừng hoạt động để chống dịch. Từ ngày 23/8 đến nay, mọi người dân không được đi ra đường trừ những trường hợp thật cần thiết, các phương tiện tham gia chống dịch. 

Các doanh nghiệp áp dụng biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” để hoạt động kinh doanh trở lại.
Các doanh nghiệp áp dụng biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” để hoạt động kinh doanh trở lại.. (Ảnh: PV) 

Nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng/2021 giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành giảm mạnh hơn so với cùng kỳ như sản xuất đồ uống giảm 26,1%; sản xuất trang phục giảm 25,8%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 16,0%; sản xuất sản phẩm điện tử giảm 15,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại giảm 11,6%...

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng/ 2021 giảm 10,9% so với cùng kỳ năm truớc. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 15,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 14,5%, ngành cơ khí giảm 8,1%; ngành hóa dược giảm 7,4%;

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, thành phố đã trải qua hơn 100 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có đối với cộng đồng doanh nghiệp thành phố, ảnh hưởng suy giảm tăng trưởng kinh tế của thành phố. Song sau những nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố, đến nay công tác kiểm soát dịch đã có những tín hiệu tích cực, đây là những cơ sở để cho thành phố có thể tiến tới nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ ngày 1/10/2021, thành phố thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Nguyên tắc quan trọng nhất của thành phố là mở cửa an toàn, từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân tại thành phố. Bảo đảm an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải bảo đảm an toàn.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, một trong những điều kiện thuận lợi để tái khởi động sản xuất công nghiệp là ở giai đoạn triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, thành phố đã ưu tiên cho nhóm đối tượng là người lao động, do đó đến nay tỷ lệ bao phủ vaccine trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố khá cao với trên 70% số lao động được tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác cũng là bài học để TP. Hồ Chí Minh thận trọng, thực hiện mở cửa theo lộ trình an toàn, tránh lặp lại tình trạng “mở nhanh ” rồi “đóng vội”.

Ngoài ra, theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, cộng đồng DN trong và ngoài nước đều rất mong được sớm mở cửa hoạt động trở lại để giữ chân đối tác, có doanh thu để công nhân có việc lảm, có lương. Các biện pháp hỗ trợ cho DN tiếp tục được áp dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn như cho vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng, thực hiện miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, giảm lãi suất cho vay... Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã sớm đưa ra quan điểm phải mở cửa kinh tế gắn liền với phòng chống dịch Covid-19 thì bộ tiêu chí đánh giá vùng an toàn để cho phép mở cửa của Bộ Y tế cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với cảnh bình thường mới để thành phố công bố các vùng an toàn cho phép DN hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.

Mai Anh