Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính về thuế tối thiểu toàn cầu

23:30 30/03/2023

Tổng cục Thuế sẽ theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

Tại buổi họp báo quý I do Bộ Tài chính tổ chức chiều 30/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế- Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng và đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD vào tháng 8/2022, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt này do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.

Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác đặc biệt với các bộ, ngành có liên quan để triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Ngày 17/3/2023, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ nội dung về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Hiện tại, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Ngày 28/3/2023, Tổng cục Thuế đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp có khả năng chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính về thuế tối thiểu toàn cầu
Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính về thuế tối thiểu toàn cầu.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, bao gồm cả những nước có đầu tư ra nước ngoài và những nước nhận đầu tư từ nước ngoài, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Đồng thời, nghiên cứu hướng dẫn của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, quyết định việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam cho phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam là cấp bách, thể hiện trên hai khía cạnh gồm bảo đảm quyền đánh thuế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

“Vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu cũng vẫn phải nộp thuế bổ sung tại nước khác. Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để tương thích với thuế suất tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút và bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam”, bà Ngọc nói. Bà Ngọc cho rằng, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế nếu không có phản ứng kịp thời hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu.

P.V (t/h)