Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vận nước đang lên

00:00 12/10/2020

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào sáng 30/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, tốt hơn năm 2018.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

"Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang toả sáng ở Việt Nam"

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ rất vui mừng được các lãnh đạo chủ chốt và các cơ quan Trung ương tham dự hội nghị để tổng kết công tác năm 2019 và bàn việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ 2020. Đây là hội nghị hết sức quan trọng và ghi nhận sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chu đáo cùng các báo cáo đầy đủ, rõ ràng của Chính phủ...Đề nghị trả lời rõ ràng, mạch lạc câu hỏi năm 2019 kết quả trên các mặt, lĩnh vực có cao hơn, tốt hơn 2018 không? Cao hơn, tốt hơn ở mặt nào, lĩnh vực nào? Còn mặt nào chưa tốt, nguyên nhân vì sao để khắc phục. 

“Như thế dễ hiểu hơn chứ báo cáo dài quá”, ông nói.

Theo ông, năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ta đạt nhiều kết quả đáng mừng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, tốt hơn năm 2018. Minh chứng cho kết quả này, ông đưa ra 4 thành tựu lớn. Trước hết, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh, đạt mức trên 7% trong khi kế hoạch đề ra 6,8%.

Theo Người đứng đầu Đảng, Nhà nước, chỉ tiêu tăng trưởng đã cao hơn kế hoạch, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD, bình quân đạt 2.800 USD/người. Ông nhận định dân số nước ta giờ gần 100 triệu người nên con số này rất có ý nghĩa, đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước ta.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, lạm phát thấp, đầu tư xã hội và các cân đối lớn được bảo đảm, kỷ cương, kỷ luật của Nhà nước được tăng cường.

Thị trường tiền tệ ổn định, cán ân thanh toán được cải thiện, ngoại hối đạt 80 tỷ USD, xuất khẩu tăng trưởng 8% so với năm 2018 trong khi xuất khẩu của nhiều nước giảm mạnh, thậm chí có nước tăng trưởng âm.

“Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định ‘mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang toả sáng ở Việt Nam’”, Tổng bí thư dẫn chứng.

Ông ghi nhận kết quả trên các lĩnh vực đã đưa Việt Nam về đích sớm hơn kế hoạch 2 năm. Nhắc đến kết quả của đoàn thể thảo Việt Nam tại SEA Games 30 vừa qua, Tổng bí thư nhấn mạnh đó không chỉ đơn thuần là kết quả về hàng trăm huy chương, mà kết quả đó thể hiện ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên và tinh thần hết mình.

“Đó cũng là biểu hiện của vận nước đang lên”, ông nhấn mạnh

Chứng cứ thứ ba được Tổng bí thư nhấn mạnh là tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, tòa vẹn lãnh thổ.

Ông nhắc đến 2 sự kiện quan trọng là việc Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu cao và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Một sự kiện khác được Tổng bí thư nhắc lại là việc Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Qua đó, thể hiện vai trò, vị trí của Việt Nam được nâng lên.

Ưu tiên triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm

Đây là năm thứ ba liên tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự, phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cuối năm 2018, ông nhấn mạnh tinh thần chung của năm 2019 là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018. Trên tinh thần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị năm 2020 tập trung ưu tiên triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, về phát triển kinh tế, cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tập trung ưu tiên khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản và có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém khác.

Thứ hai, cần quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người hài hoà với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng này vừa được Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua…

Thứ ba, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Thứ tư, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài". Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục rà soát, xác định rõ và làm đúng, hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến định, không trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật...

Toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ năm, về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong năm 2020, các cấp uỷ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, đáp ứng thật tốt các yêu cầu. Cụ thể, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương, hình thức; kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ Đại hội như: “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “nể nang, thoả hiệp”, “né tránh va chạm”, “vận động, tranh thủ phiếu bầu”, “kích động, chia rẽ nội bộ”...

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ khoá XII, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đợi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ.

Thu Giang