Tổng giám đốc Agilead Global: Start-up phải “thấu cảm” để tìm hiểu, nắm bắt khách hàng

00:00 12/10/2020

Nắm bắt những vấn đề của khách hàng được coi là điểm bắt đầu trong quá trình giải quyết các vấn đề kinh doanh khác, giúp start-up có thể duy trì bền vững. Thông qua “thấu cảm” để tìm hiểu, nắm bắt khách hàng, doanh nghiệp sẽ xác định được vấn đề, từ đó giải quyết để mang lại hiệu quả cho cả 2 phía.

Ông Dương Trọng Tấn - Tổng Giám đốc Agilead Global

Đây là nhận định được ông Dương Trọng Tấn - Tổng Giám đốc Agilead Global (Hội viên Hội Truyền thông số Việt Nam) - đưa ra trong khuôn khổ Webinar “Mô hình phát triển khách hàng cho khởi nghiệp xuyên khủng hoảng” - do Văn phòng Đề án 844 phối hợp với Học viện Agile tổ chức trực tuyến vừa qua.

Đề ra các giải pháp xây dựng khách hàng cho doanh nghiệp start-up, ông Dương Trọng Tấn đã chỉ ra những phương án cơ bản, đồng thời phân tích những điểm hạn chế để chọn ra giải pháp tối ưu nhất.

Giải pháp thứ nhất là khảo sát thu thập thông tin về nhu cầu của khách hàng để đưa ra bộ tiêu chí phù hợp cho sản phẩm. Giải pháp thứ hai là dùng những câu hỏi, khảo sát có sẵn trước khi bắt tay xây dựng sản phẩm. Tuy nhiên, ông Khánh đã chỉ ra những bất cập của 2 giải pháp này, đó là tính chính xác, khách quan, phụ thuộc năng lực của người khảo sát, thu thập, xử lý số liệu.

Giải pháp thứ ba – khảo sát thực tiễn bằng cách trò chuyện, thấu hiểu nhu cầu khách hàng – được coi là giải pháp tối ưu nhất. Thông qua trò chuyện, thấu hiểu, doanh nghiệp có thể xác định điểm cốt lõi, giảm thiểu khả năng thất bại của dự án trước khi có sản phẩm. Bên cạnh đó, phương pháp xây dựng các sản phẩm mẫu cũng là một lối đi đột phá để doanh nghiệp cho phép người dùng trải nghiệm trước sản phẩm, từ đó xác nhận nhu cầu của khách hàng.

“Trước những thách thức của đại dịch, ngoài những thay đổi cơ bản về môi trường kinh doanh cũng phát sinh những cơ hội. Thấu hiểu nhu cầu của người dùng sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các ý tưởng mới” – ông Dương Trọng Tấn đánh giá.

Dẫn kết quả khảo sát chỉ ra 90% dự án khởi nghiệp thất bại vì ưu tiên phát triển sản phẩm, ông Tống Tùng Khánh - Founder & CEO Checkit PTE - cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do thiếu khách hàng và thiếu mô hình kinh doanh để tạo ra lợi nhuận. Trong bối cảnh thị trường biến động cùng diến biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều start-up đang phải đau đầu giải quyết bài toán về khách hàng và xây dựng sản phẩm kinh doanh.

Giải thích nguyên nhân của tỷ lệ thất bại “khổng lồ” trên, ông Khánh đề cập đến 4 lý do chính. Cụ thể, vấn đề hàng đầu là không có khách hàng, sản phẩm làm ra không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nhanh chóng cạn vốn khi không bán được sản phẩm. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự và cạnh tranh với đối thủ cũng khiến các start-up phải đương đầu với những thách thức lớn.

“Có thể nói, phát triển khách hàng là yếu tố quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” – ông Khánh nói thêm.

Khánh Linh

Tags: