Tổ chức Lao động quốc tế: 4 khuyến nghị ngăn thiệt hại kéo dài về việc làm

17:10 29/09/2021

Tại Tọa đàm Tham vấn chuyên gia về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội cuối tháng 9, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có báo cáo về Lao động và việc làm trong thời kỳ đại dịch COVID-19. ILO cho rằng, kỳ vọng việc làm sẽ được khôi phục trở lại trong năm 2021 và 2022 nhưng không đủ để thu hẹp khoảng trống về việc làm.

Theo báo cáo, ILO dự báo kinh tế và xã hội bắt đầu phục hồi trong năm 2021 nhưng sẽ không đồng đều trên toàn cầu và hầu như không đủ để thu hẹp khoảng trống.
Triển vọng thị trường lao động toàn cầu phụ thuộc vào sự sẵn có của vaccine, doanh nghiệp mở cửa trở lại, dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội, các chính sách tài khóa và tiền tệ.
ILO cho rằng, kỳ vọng việc làm sẽ được khôi phục trở lại trong năm 2021 và 2022 nhưng không đủ để thu hẹp khoảng trống về việc làm. Bởi dự kiến số lao động thất nghiệp năm 2022 là 205 triệu người, vượt mức 187 triệu người của năm 2019 và chỉ giảm nhẹ so với mức 220 triệu vào năm 2020.
Đồng thời, dự báo tăng trưởng năng suất lao động hàng năm trung bình sẽ giảm từ mức vốn đã rất thấp là 0,9% trong giai đoạn 2016-2019 xuống mức tăng trưởng âm -1,1% trong giai đoạn 2019-2022.
Thêm vào đó là tổn hại tới thành tựu của mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu xóa nghèo và đạt được việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm thỏa đáng vào năm 2030.
Trong báo cáo, ILO đưa ra 3 kịch bản phục hồi việc làm trong thời gian tới gồm kịch bản cơ sở, lạc quan và tiêu cực.
Với kịch bản cơ sở là phục hồi kinh tế ở các nước thu nhập cao từ quý 3/2021, gia tăng số lượng vaccine hiệu quả ở các nước thu nhập cao, dỡ bỏ các quy định đóng cửa nơi làm việc, giảm tác động bất lợi của thị trường lao động, các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ.
Công cuộc phục hồi kinh tế và việc làm có thể được đẩy nhanh hơn nữa do nhiều nước thu nhập thấp và trung bình đã dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa nơi làm việc ngay cả khi đại dịch vẫn chưa được kiểm soát.
Các biện pháp đóng cửa nơi làm được dỡ bỏ để ngăn chặn tổn thất việc làm nhưng lại ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực về khía cạnh chất lượng việc làm. Không gian tài khóa dành cho các nước đã bị thu hẹp.
Theo kịch bản lạc quan, COVID-19 sẽ nhanh chóng được kiểm soát do triển khai thành công các loại vaccine dễ dung nạp và hiệu quả, mở rộng sản xuất vaccine đại trà và phân phối công bằng. Tình hình được cải thiện ở các nước thu nhập cao sẽ thúc đẩy cầu xuất khẩu toàn thế giới.
Ảnh hưởng bất lợi dài hạn đối với việc làm và hoạt động kinh tế sẽ không còn nghiêm trọng. Trong kịch bản này, sự gián đoạn chỉ mang tính tạm thời. Những ứng phó về chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả sẽ giúp đảm bảo nhanh chóng trở lại tình trạng trước khủng hoảng. 
Còn với kịch bản tiêu cực là khó có thể kiểm soát được sự lây lan của COVID-19 trong tương lai gần do gián đoạn trong phân phối vaccine, các nước đang phát triển không có vaccine, vaccine không hiệu quả hoặc sự e ngại của một số lượng lớn người dân về việc tiêm vaccine.
Khủng hoảng đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định chính trị và gắn kết xã hội. Sự phục hồi thị trường lao động - việc làm sẽ bị kìm hãm nghiêm trọng trong tình hình này.
ILO cũng đưa ra 4  khuyến nghị để ngăn ngừa những thiệt hại mang tính lâu dài tới kết quả kinh tế và xã hội toàn cầu đòi hỏi một chương trình nghị sự chính sách toàn diện và thống nhất lấy con người làm trung tâm. 
Thứ nhất, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo việc làm năng suất. Trong đó, đảm bảo đủ không gian tài khóa nhằm giải quyết khoảng trống hiện hữu trong cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội.
Hỗ trợ đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, tăng năng suất và doanh nghiệp bền vững.
Đầu tư mang tính chiến lược vào các lĩnh vực có thể đóng vai trò nguồn tạo việc làm thỏa đáng và đầu tư để chuyển đổi các lĩnh vực hiện có để tạo ra nhiều cơ hội làm việc tốt hơn.
Thứ hai, hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch thị trường lao động, đặc biệt là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng, bằng cách đầu tư vào những chính sách thị trường lao động chủ động, dịch vụ việc làm công được cung cấp cho toàn dân.
Xây dựng và thực hiện các cách tiếp cận toàn diện, đổi mới và tích hợp để kiểm soát tình trạng phi chính thức lan rộng và thúc đẩy sự chuyển dịch sang nền kinh tế chính thức.
Tạo điều kiện cho người lao động tham gia thị trường lao động, cải thiện triển vọng thị trường của họ bằng cách bồi dưỡng trình độ kỹ năng cao hơn.
Thứ ba, củng cố những nền tảng thiết chế cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững.
Cụ thể, tăng cường các hệ thống an sinh xã hội với nguồn tài chính công bằng và bền vững. Củng cố các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp thông qua hợp tác với các thiết chế công, các doanh nghiệp tư nhân, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức đại diện của họ.
Thứ tư, tham gia đối thoại xã hội nhằm xây dựng và đảm bảo thực hiện hiệu quả các chiến lược phục hồi lấy con người làm trung tâm. 
Thúc đẩy và triển khai “Nghị quyết liên quan đến lời kêu gọi hành động toàn cầu thúc đẩy phục hồi từ khủng hoảng COVID-19 lấy con người làm trung tâm mang tính bao trùm, bền vững và có sức chống chịu tốt” đã được các quốc gia thành viên của ILO thông qua tại Phiên họp thứ 109 của Hội nghị Lao động Quốc tế năm 2021.
Lâm Vy