Tình hình triển khai kế hoạch xây dựng Thành phố Thông minh ở Bình Dương

23:16 12/11/2021

Ngày 12/11/2021, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai kế hoạch xây dựng TPTM Bình Dương. Tham dự tại điểm cầu Hà Lan có ông Peter Portheine, Giám đốc chương trình Brainport, Giám đốc EIPO, nguyên Ủy viên Hội đồng Vùng Noord Brabant; ông Joost Helms, Giám đốc Eindhoven Academy, nguyên Phó Thị trưởng TP.Eindhoven.

Tại cuộc họp, các sở, ngành đã báo cáo tình hình triển khai các dự án xây dựng TPTM Bình Dương trong năm 2021 với 12 dự án trọng điểm, bao gồm: Biên soạn Đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026; Khu công nghiệp Khoa học công nghệ; khu Trung tâm Thương mại Thế giới TPM Bình Dương (WTC); tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển mô hình Ba Nhà, xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt; triển khai Trung tâm Điều hành TPTM; Hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; công tác truyền thông định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế. 

Phối cảnh điểm TOD A1- Thành phố Mới Bình Dương
Phối cảnh điểm TOD A1- Thành phố Mới Bình Dương. 

Từ những kết quả đạt được và định hướng trong thời gian tới, ông Peter Portheine đã thảo luận quy trình chiến lược cho giai đoạn 2021 - 2025 để Bình Dương phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, đề xuất các chiến lược mới phù hợp với thực tế của Bình Dương như: Chuyển sang nền kinh tế giá trị cao, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, thương mại điện tử và logistics, cải cách hành chính; xác định các dự án đầu tư công trong kế hoạch TPTM Bình Dương có thể được đẩy nhanh để thúc đẩy đầu tư công vào xây dựng cơ sở hạ tầng; tái cơ cấu thị trường lao động…

Kết luận cuộc họp, ông Mai Hùng Dũng đề nghị các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để xây dựng Đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2025 với các nội dung cụ thể. Trong đó, xem xét ưu tiên một số dự án trọng điểm dựa trên các nền tảng trụ cột: Con người, vùng đổi mới sáng tạo, các kết quả đã đạt được để xây dựng kế hoạch. Đẩy nhanh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành để công khai cho người dân và doanh nghiệp khai thác dữ liệu.

Sau gần 30 năm phát triển mạnh mẽ, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tỏ lớn, hiện nay thu nhập GDP bình quân đầu người của Bình Dương gấp đôi cả nước. Đây là thành quả của sự cố gắng của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân trong tỉnh. 

Thành phố thông minh Bình Dương tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai kế hoạch xây dựng TPTM Bình Dương
Thành phố thông minh Bình Dương tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai kế hoạch xây dựng TPTM Bình Dương. 

Tuy hiên hiện nay Bình Dương đang đứng trước những thách thức lớn: Thứ nhất, sức ép về hạ tầng đô thị giao thông – qua nhiều năm hạ tầng giao thông đường bộ của Bình Dương đang có dấu hiệu quá tải, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chi phí hậu cần của các nhà đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư. Thứ hai, vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương là hơn 7000 USD/người/năm, điều đó đồng nghĩa với việc nguy cơ gặp bẫy thu nhập trung bình của Bình Dương sẽ sớm hơn cả nước, nếu không sớm có giải pháp giúp nhà đầu tư tăng năng suất lao động, giảm chi phí vận hành, hậu cần thì việc gặp phải bẫy thu nhập trung bình sẽ đến rất sớm. Thứ 3, phát triển kinh tế cân bằng: Đang có một khoảng cách lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp. Công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ 66.8% trong khi đó thương mại dịch vụ 22.4%. Để có thể phát triển bền vững, việc thu hẹp khoảng cách này cần phải được ưu tiên rất nhiều trong thời gian tới. Thứ 4, phát triển nguồn nhân lực: Với yêu cầu của thời đại kinh tế số và công nghiệp 4.0 và các thách thức nêu trên, Bình Dương cần phải sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động để phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới, cũng như đáp ứng nhà đầu tư.

Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng nền tảng tích lũy của Bình Dương qua gần 30 năm là rất lớn: Bình Dương đã mở rộng quan hệ ngoại giao, kết nghĩa với nhiều TP trên thế giớ như Deajon Hàn Quốc, Yamaguchi Nhật Bản, Einhovend Hà Lan và các TP khác. Có hàng ngàn thương hiệu lớn trên thế giới đã về đặt nhà máy tại Bình Dương như Panasonic, Pepsi, Kumho, Vinamilk,… Hệ thống giáo dục đào tạo của Bình Dương phát triển với nhiều trường đại học, với mối quan hệ với các đại học lớn trên thế giới như ĐH Quốc Gia Singapore,… 

Với mong muốn giải quyết ùn tắt giao thông Quốc Lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng
Với mong muốn giải quyết ùn tắt giao thông Quốc Lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng. 

Các hãng công nghệ lớn như BOSCH, PHILIPS,… đã đến tỉnh tìm hiểu và mong muốn mở rộng hợp tác. Đây là nền tảng rất lớn giúp Bình Dương tự tin có thể vượt qua được những thách thức nên trên.

Xác định những thách thức nên trên, và từ những nền tảng đã tích lũy, đề án Thành phố Thông minh và trong tâm hiện nay là đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương đã cô đọng chiến lược phát triển của Bình Dương trong mô hình 5 lớn. Lớp thứ nhất về quy hoạch đô thị và giao thông: Áp dụng mô hình BRT - TOD- Quy hoạch đô thị gắn liền với giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, phát triển loại hình giao thông mới. Lớp thứ hai về xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo: Xây dựng hợp tác công tư, tập trung thu hút và phát triển các công ty mỏ neo, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, xây dựng con người năng động. Lớp thứ ba về phát triển kinh tế cân bằng: Phát triển thương mại quốc tế, Thương mại điện tử, các ngành thâm dụng vốn, kinh tế số, dịch vụ công nghiệp, tài chính ngân hàng. Lớp thứ tư về Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong nhà nước và doanh nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, tập trung vào Sản xuất thông minh và Công nghiệp 4.0. Và lớp cuối cùng là Phát triển và thu hút nguồn nhân lực: đây cũng là lớp quan tọng nhất, quyết định sự thành công của mọi chiến lược, cần có chương trình chính sách cụ thể, có định hướng chủ điểm để phát triển nguồn nhân lực.

Hoàng Thu