Tính chuyện đường dài hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững

16:01 22/10/2020

Cho đến nay, các cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại đã bắt đầu được hiện thực hóa, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam đã chủ động tận dụng ưu đãi để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm.

Bộ Công Thương sẽ tập huấn, hướng dẫn về cách xác định xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA và quy trình, thủ tục cấp C/O mẫu EUR.1 nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về quy tắc xuất xứ của Hiệp định và tận dụng tối đa ưu đãi từ Hiệp định

Sau 2 tháng thực thi EVFTA, hoạt động xuất khẩu đã có dấu hiệu khởi sắc

Những kết quả đáng để ghi nhận

Hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau hơn 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.

Triển vọng xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm 2017

Mặt hàng thủy sản đang là một trong những mặt hàng đã tận dụng khá tốt các ưu đãi từ EVFTA

Nói về mặt hàng thủy sản - một trong những mặt hàng đã tận dụng khá tốt các ưu đãi từ EVFTA. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho biết, sau hơn hai tháng thực thi, Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho DN XK, đặc biệt là nông sản khi hàng loạt các mặt hàng như gạo, cà phê, trái cây… đã liên tiếp được XK sang thị trường này ngay sau thời điểm hiệp định có hiệu lực, tận dụng tốt các ưu đãi về thuế. 

“Việc tận dụng tốt lợi thế thì EVFTA đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam giữ được vị thế là một trong ít những quốc gia đảm bảo mức tăng trưởng về XK trong những tháng đầu năm 2020 dù thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn và gián đoạn”, ông Tô Hoài Nam khẳng định. 

Chú trọng đến quy tắc xuất xứ

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP

Quy tắc xuất xứ là một trong những vấn đề cần phải lưu ý khi tham gia EVFTA

Theo các chuyên gia, những kết quả thu được chỉ là bước đầu, về lâu dài, do EU là một thị trường lớn, có những đòi hỏi khắt khe nên khi DN Việt Nam muốn tham gia, tiếp cận vào thị trường này buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định mà EU đã quy định. Đây là một thách thức, song sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho DN trong sân chơi thương mại quốc tế. 

Bộ Công thương lưu ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan, DN Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. Ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ là hai yếu tố diễn ra song song và không thể tách rời. Do vậy, để kịp thời hỗ trợ DN Việt Nam tận dụng cơ hội ngay từ những ngày đầu thực thi Hiệp định, ngày 15-6-2020, Bộ trưởng Công thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA làm cơ sở pháp lý hướng dẫn thực thi nội dung này tại Việt Nam. Thông tư đã có hiệu lực ngay từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Đồng ý kiến, ông Trương Đình Hòe cho biết, để thực thi Hiệp định EVFTA, một trong những vấn đề quan trọng đó là chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đại thuế quan. Do đó việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần hết sức quan tâm là khác phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ. Ngoài ra, về chất lượng, hiện khái niệm chất lượng thủy sản đang dịch chuyển về phía an toàn, có nghĩa là kiểm soát được cả một chuỗi sản xuất, chứ không phải là ở trong một nhà máy hay một phân xưởng sản xuất. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, quản lý chất lượng theo chuỗi hệ thống cung ứng là việc cần phải được quan tâm tối đa.
 
“Với ngành thủy sản, các DN đã làm việc này nhiều năm nay chứ không phải tới bây giờ mới bắt đầu khởi động nên không khó để nắm bắt cơ hội tại thị trường EU cũng như ở nội địa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta lơ là trong quản lý, nâng cao chất lượng mà cần phải làm tốt hơn nữa để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Hòe lưu ý.

Ông Tô Hoài Nam chia sẻ thêm, EU là thị trường có quy định khắt khe bậc nhất thế giới, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, vì vậy, muốn khai thác, tận dụng hiệp định hiệu quả, không thể vội vàng mà buộc DN phải nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị cặn kẽ các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng. Mặt khác, dưới tác động của dịch Covid-19, EU đang có thêm những quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. 

Để giải bài toán quy tắc xuất xứ, trong tình hình khó khăn chung cũng như tiềm lực của DN còn hạn chế, Chính phủ, Bộ, ngành cần có những chính sách, cơ chế mang tính đột phá, tạo môi trường để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh sáng tạo, nhất là tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bởi thị trường EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, buộc DN XK phải tuân theo. 

Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải thay đổi quan điểm về lợi thế trước đây như nhân công rẻ mà phải dựa vào những chuẩn mới, đáp ứng được đòi hỏi của xu thế phát triển của thị trường. Đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa vào khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, cộng đồng DN Việt Nam đang còn hạn chế, yếu kém trong nghiên cứu khoa học để có những sáng kiến kinh doanh, phát triển sản phẩm. “Vì vậy, để tháo gỡ rào cản này, cần tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các công trình nghiên cứu khoa học để áp dụng và sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng phát huy được giá trị của các công trình nghiên cứu - một nguồn tài nguyên lớn”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Phương Ly