Tìm phương án cấp thiết, giảm chi phí cho doanh nghiệp

09:58 18/08/2021

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp cho biết rất cần cơ quan chức năng nghiên cứu tìm giải pháp giúp họ giảm chi phí, đặc biệt là các chi phí liên quan đến tổ chức thực hiện “3 tại chỗ”.

Duy trì sản xuất hay đóng cửa chờ qua dịch? Đó là băn khoăn lớn nhất của nhiều chủ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành, trong đó có TPHCM. Đặc biệt là những DN nhỏ và vừa, bởi vốn mỏng, nội lực yếu, không đủ sức chi trả các khoản phí để “vừa phòng dịch vừa duy trì sản xuất”.

Ông Trọng, đại diện doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Long An cho biết, công ty phải ngưng hoạt động từ tháng 7-2021 vì không đủ kinh phí hỗ trợ công nhân ăn ở tại chỗ và xét nghiệm. Về thời gian có thể tái hoạt động, ông Trọng nói rằng chắc phải đợi đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tương tự, một số doanh nghiệp sản xuất tại Cần Thơ và Tiền Giang chia sẻ; nhiều DN sơ chế nông sản - đối tác của đơn vị, đã dừng hẳn hoạt động sản xuất để chống dịch. Lý do, khâu sơ chế đóng gói nông sản, nhất là nông sản phục vụ thị trường xuất khẩu, cần sử dụng lượng lớn lao động nên rất khó vừa tổ chức sản xuất vừa chống dịch vì chi phí quá lớn. Chưa kể, hiện các DN xuất nhập khẩu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thiếu nhân công, tài xế, hàng hóa lưu thông khó khăn. Bên cạnh đó, cước vận chuyển container tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu. 

Tìm phương án cấp thiết, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Tìm phương án cấp thiết, giảm chi phí cho doanh nghiệp. (Ảnh: PV)

Thực tế này cộng với rất nhiều khoản chi phí phát sinh khác để kiểm soát dịch bệnh đã và đang trở thành áp lực rất lớn đè lên DN. Chẳng hạn, ở cảng Cát Lái, do quá tải trung chuyển nên khi xuất hàng, nhiều DN phải mang hàng đến sớm hơn vài ngày để nằm chờ, trong khi đó chi phí DN phải trả lưu bãi, chạy lạnh rất đắt - khoảng 80USD/ngày. Mặt khác, với ngành hàng lương thực thực phẩm, nông sản thì thời gian lưu bãi càng lâu, DN càng đối mặt với nguy cơ bị trả hàng do ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa. Tình trạng này đã khiến nhiều DN có nguy cơ phải ngưng hoạt động vì càng sản xuất càng lỗ, nhất là với các DN có lượng công nhân nhiều.

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TPHCM, cho biết thêm, KCNC TPHCM đang là đơn vị thực hiện kiểm soát dịch khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc DN đảm bảo “3 tại chỗ” chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Nếu phải kéo dài, e khó duy trì. Hiện trung bình mỗi DN trong KCNC phải chi khoảng vài tỷ đồng/tháng cho hoạt động ăn ở và xét nghiệm. Do vậy, các DN chỉ duy trì lượng công nhân hạn chế để đảm bảo giải quyết các đơn hàng xuất khẩu đã định thời gian giao hàng. Với những đơn hàng mới, nhiều DN cho biết sẽ không tiếp nhận nếu mô hình sản xuất “3 tại chỗ” vẫn kéo dài.

Linh hoạt giải pháp Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh hiện nay, bà Lê Bích Loan cho rằng, cần phải giảm chi phí phát sinh thật sự chưa cần thiết cho DN. Theo đó, cần tính toán lại quy định về tần suất xét nghiệm Covid-19. Bởi với số lượng công nhân trung bình của mỗi DN từ vài trăm đến vài ngàn người thì chi phí xét nghiệm phải chi trả khoảng vài tỷ đồng/tuần. Ngoài ra, cần phủ nhanh vaccine cho DN. Giải pháp để thực hiện là cần xã hội hóa nguồn cung ứng vaccine. Phải xác định vaccine không phải là loại hàng hóa quá đặc biệt để cần khâu kiểm duyệt gắt gao như hiện nay, hoặc chỉ cho phép một số DN được mua và nhập khẩu.

Hiệp hội Các doanh nghiệp khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đề xuất chuyển đổi giải pháp “3 tại chỗ” thành “2 tại chỗ - 1 vùng xanh”, với phương châm công nhân sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ nhưng có thể về ngủ ở vùng xanh là khu an toàn. Công nhân vùng xanh được DN xét nghiệm 5 ngày 2 lần. Ngoài ra, thực hiện tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân KCX-KCN. Trong đó, ưu tiên tiêm vaccine đối với người lao động các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm.

Riêng tại KCNC, bà Lê Bích Loan cho biết thêm, đến nay, 63/85 DN ở KCNC TPHCM vẫn duy trì sản xuất ổn định và chưa phát sinh các ổ dịch trong các DN. Ban quản lý KCNC đã phối hợp với các DN triển khai đa dạng giải pháp phòng chống dịch bệnh. Duy trì tần suất xét nghiệm nhanh 3 ngày/lần và xét nghiệp PCR 7 ngày/lần. Trường hợp phát hiện ca mắc Covid-19 thì tiến hành tách nhanh F0 ra khỏi phân xưởng sản xuất. Ban quản lý KCNC đang phối hợp cùng DN xây dựng hệ thống GPS để phục vụ cho việc giám sát lộ trình di chuyển từ nhà máy về nhà là vùng xanh của công nhân, nhằm thắt chặt công tác kiểm dịch. Đây cũng là giải pháp khả thi, giúp DN có thêm công nhân tham gia sản xuất trong thời gian tới.

Hiện Ban quản lý KCNC TPHCM nhận được nhiều công văn của công ty mẹ từ nước ngoài của các DN đang sản xuất trong KCNC. Các công ty này đề xuất các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, cho phép họ chuyển vaccine Covid-19 cho những DN thành viên, chi nhánh của họ đang sản xuất tại Việt Nam. Họ tự chịu hoàn toàn chi phí mua, vận chuyển, chuyển giao để phủ nhanh vaccine cho công nhân tại các nhà máy, thúc đẩy nhanh tiến trình miễn dịch cộng đồng để duy trì ổn định sản xuất.

Mai Anh