Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới

00:00 12/10/2020

Thay vì kiểm soát bằng cách hệ thống thanh kiểm tra, quy định dày đặc làm méo mó thị trường, thì chuyển sang để thị trường điều tiết nền kinh tế, sau đó Nhà nước bổ sung khiếm khuyết thị trường.

Đó là kiến nghị của Ts. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng” ngày 30/10.

Theo ông Cung, ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, do vậy muốn cải cách không có cách nào khác là phải làm vì thị trường, làm thị trường hoạt động tốt hơn, rộng hơn, cạnh tranh hơn.

Tránh để FDI chỉ để “giữ chỗ”

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP 9 tháng năm 2019 ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Đánh giá về con số tăng trưởng này, nguyên Viện trưởng CIEM, cho hay nhờ những chính sách hợp lý, kinh tế Việt Nam những tháng qua đã có sự tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Động lực cho tăng trưởng này là nhờ ở khu vực công nghiệp, khai khoáng và xuất khẩu (XK).

Trong 3 động lực đó, ông Cung nhìn nhận tăng trưởng XK đang phụ thuộc chính vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không bền vững và nhiều rủi ro. “Tăng trưởng XK 10 tháng đầu năm tăng 7,6%, trong đó XK vào thị trường Mỹ dẫn đầu với mức tăng 26,6%, thị trường Nhật Bản tăng 7,5%, Hàn Quốc tăng 9%. Đáng lưu ý, XK vào thị trường EU giảm 1,9%, Trung Quốc giảm 2,9%, cho thấy rủi ro rất lớn cho Việt Nam”, ông Cung nói.

Đáng chú ý, đầu tư nhà nước và đầu tư nước ngoài (FDI) không còn là động lực cho tăng trưởng nữa, thậm chí cho thấy đà suy giảm, thể hiện ở số dự án tăng 26% nhưng số vốn đăng ký mới giảm 14,6%, đồng nghĩa với việc quy mô các dự án FDI đang giảm.

“Trong bối cảnh mới như tham gia nhiều FTA, chiến tranh thương mại, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không có sự sàng lọc tốt và kịp thời, các dự án FDI khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng; thậm chí có thể gây ra hiện tượng các dự án “núp bóng” gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, môi trường…”, ông Cung nêu vấn đề. Đồng thời cho rằng cần quản lý dòng vốn FDI, không cho vượt quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam, tránh để FDI vào chỉ để “giữ chỗ”.

Tuy nhiên, việc bình tĩnh cân nhắc lựa chọn dự án FDI là không dễ, nhất là khi không ít quốc gia trong khu vực cũng đón dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế cần ít dựa vào FDI hơn và tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.

Điều đáng chú ý khác trong đầu tư nước ngoài là vốn gián tiếp tăng quá mạnh, tới 70,5%. “Họ mua cái gì, ai mua, mua ở đâu? Số tiền này rút ra sẽ làm gì? Mua ở đây chắc chắn là mua tài sản của người Việt Nam, vậy người Việt Nam bán tài sản để rút tiền ra làm gì? Việc mua bán này không làm tăng vốn trong nền kinh tế nếu số vốn rút ra đó không được tái đầu tư. Đây là những câu hỏi mà chúng ta phải bàn nghiêm túc”, ông Cung nói.

Đồng quan điểm, Gs. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết việc mua bán và sáp nhập đã bước vào giai đoạn nở rộ với nhiều cơ hội mới. Giai đoạn 2014 - 2017, quy mô thị trường M&A Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD đã tăng lên khoảng 7 tỷ USD vào giai đoạn 2017-2019.

Theo quan sát, ông Mại cho biết từ các thương vụ M&A gần đây có thể nhận ra một số vấn đề.

“Từ doanh nghiệp (DN) tư nhân và DN nhà nước (DNNN) cổ phần hóa đã “đẻ” ra cầu M&A rất lớn. Ông Phạm Nhật Vượng năm nay nhận được 1 tỷ USD từ Hàn Quốc là một ví dụ. Chúng ta có cầu rất lớn”, Chủ tịch VAFIE nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng xét trên khía cạnh quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, có thể nhận thấy sự vượt trội của nhóm Trung Quốc (đại lục, Hong Kong, Đài Loan) khi chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư trong 10 tháng.

Tim-kiem-dong-luc-tang-truong-3154-7651-

Tăng trưởng kinh tế cần ít dựa vào FDI hơn và tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới

Cải cách vì thị trường

Đánh giá về sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới, Ts. Nguyễn Đình Cung cho rằng tiêu dùng nội địa vẫn là yếu tố tạo tăng trưởng, nhưng tiêu dùng là thứ phụ thuộc vào tăng trưởng, có tăng trưởng thì mới có tiêu dùng.

“Như vậy, những yếu tố tạo tăng trưởng của chúng ta rất ngắn hạn, không đồng đều, có cái lên, cái xuống. Nền kinh tế không chạy cùng một hướng”, ông Cung nhận xét.

Nguyên nhân là do tốc độ cải cách đang chùng xuống. Còn nhiều dư địa cần phải làm nhưng các bộ, ngành không có áp lực phải làm. Cùng với đó, đầu tư nước ngoài vào nhiều do chiến tranh thương mại, nhưng thực tế không phải như vậy.

“Hiện, vốn đầu tư FDI tăng không nhiều. Có thể có hàng loạt chính sách đang thay đổi hoặc đang thực hiện đã tạo ra khoảng thiếu rõ ràng cho các nhà đầu tư FDI, khiến họ lưỡng lự chưa dám đầu tư mới ở Việt Nam”, ông Cung nói.

Vì vậy, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh cần phải cải cách mạnh mẽ hơn, chủ động chào đón nhà đầu tư có chất lượng, đặc biệt là nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam.

Đối với cải cách khu vực DNNN chưa thực sự rõ nét, ông Cung nhìn nhận: “Không phải chỉ tập trung cổ phần hóa DNNN vì như vậy sẽ bị tắc, nên làm nhiều hơn, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh cho DNNN, đồng thời áp dụng khung quản trị theo thông lệ quốc tế. Động lực thị trường sẽ tác động đến DNNN, bắt buộc DN phải hoạt động minh bạch trên thị trường”.

Để tháo gỡ nút thắt, theo nguyên Viện trưởng CIEM, dù Việt Nam có đi theo con đường riêng thì vẫn phải đi theo quy luật sử dụng hiệu quả nguồn lực. So với các nước khác, Việt Nam cần một nguồn lực gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi để đạt được hiệu quả giá trị gia tăng.

“Cải cách này không có cách nào khác là phải làm vì thị trường, làm thị trường hoạt động tốt hơn, rộng hơn, cạnh tranh hơn”, ông Cung nói.

Cải cách thị trường nằm ở chính đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, lao động. Tuy nhiên, đáng tiếc là những thay đổi luật lệ gần đây không tạo ra được một thị trường tốt hơn. Do đó, cần thay đổi tư duy có hệ thống về việc nâng cấp mức độ thị trường của nền kinh tế.

Về phía cơ quan nhà nước, ông Cung cho rằng cần thay đổi tư duy, cách thức quản lý. Thay vì kiểm soát bằng cách hệ thống thanh tra, kiểm tra, quy định dày đặc làm méo mó thị trường, tăng độ nhũng nhiễu trong việc thực hiện của các cơ quan, làm gia tăng chi phí tuân thủ, chi phí cho DN, thì chuyển sang để thị trường điều tiết nền kinh tế, sau đó Nhà nước bổ sung khiếm khuyết thị trường bằng cách quản lý phân tích mức độ tuân thủ DN và mức độ rủi ro của đối tượng quản lý. Những đối tượng nào nhiều rủi ro thì tập trung nguồn lực vào đó, còn đối tượng DN nào có mức độ tuân thủ cao thì không cần giám sát nhiều.

Đồng thời, cơ quan nhà nước đi xuống DN không phải kiểm tra, thanh tra, mà hỗ trợ DN tuân thủ đúng quy định chứ không phải bắt lỗi DN để phạt.

Thanh Hoa