Tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu mới cho nông sản chế biến

15:25 05/05/2021

Trong nhiều năm qua, công nghiệp chế biến đã làm nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản (CBNS) chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Việt Nam đứng thứ 17 về xuất khẩu nông sản nhưng giá trị mới đạt gần 2%

Hiện Việt Nam xếp thứ 17 về XK nông lâm thủy sản trên thế giới với kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD. Tuy nhiên mới chiếm 1,95% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của thế giới. Thị trường thế giới với 7,8 tỷ người nên nhu cầu tiêu thụ nông lâm thủy sản rất lớn, sẽ còn nhiều dư địa để Việt Nam phát triển.

Trong đó, chế biến đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền nông nghiệp. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường XK thì các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu dài nên giảm được tổn thất khi chưa thể XK ngay. Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp các sản phẩm nông sản thâm nhập các thị trường lớn, nhất là khi phần lớn các rào cản thuế quan của nhiều mặt hàng nông sản chế biến được dỡ bỏ theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Là DN kinh doanh hạt điều, với việc hướng đến chế biến sâu, thị trường XK của Công ty TNHH Hạt Điều Vàng (tỉnh Bình Phước) ngày càng mở rộng. Hiện tại, DN này đang XK hạt điều chế biến sang Australia, Na Uy, Ba Lan, Nhật Bản và dự tính sẽ thâm nhập thị trường Mỹ trong thời gian tới. Dịch Covid-19 là lực đẩy giúp cho các kênh thương mại điện tử phát triển tốt. Điều này giúp cho việc XK sản phẩm nông sản chế biến sâu thâm nhập tốt hơn, nhanh hơn vào các thị trường. Nắm bắt cơ hội thị trường, Công ty TNHH Hạt Điều Vàng đang tiếp tục đầu tư các máy móc, công nghệ để chế biến sâu những sản phẩm hạt điều có giá trị cao hơn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ở từng thị trường. Rõ ràng, với việc đầu tư chế biến sâu, chế biến tinh, giúp DN sẽ rộng cửa vươn xa đến những thị trường XK lớn.

Sau thành công của chương trình xúc tiến thương mại cho trái sầu riêng Việt Nam tại Australia trong các năm 2019 và 2020, hiện Thương vụ Việt Nam tại Australia đang xúc tiến kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy gia tăng kim ngạch các mặt hàng nông sản chế biến khác của Việt Nam tại thị trường "xứ chuột túi". Hiện, Australia hiện mới chỉ mở cửa thị trường cho 4 loại quả tươi của Việt Nam, bao gồm nhãn, vải, xoài và thanh long. Vì vậy, việc đa dạng sản phẩm XK, tìm kiếm các cơ hội mới thông qua thương mại nông sản chế biến là một trong những hướng đi nhiều ưu thế, dành cho các DN và người nông dân Việt Nam.

Mặt khác, chính những sản phẩm chế biến sẽ khắc phục tình trạng nông sản nước ta được mùa mất giá. Khả năng chế biến nông sản trong nước rất lớn. Do đó, rất cần sự bắt tay giữa Nhà nước và DN trong kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản.

Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ

Theo Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh: Thực tế cho thấy, nếu không tăng tốc mạnh mẽ tỷ lệ hàng đã qua chế biến, phục vụ XK thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho DN và nhà nông. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam luôn nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu về sản lượng XK nông sản nhưng giá trị thu về lại chưa xứng với tiềm năng.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây được đánh giá là cơ hội cho nông sản Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hội nhập, chinh phục các thị trường khó tính nhất. Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam: Hiện nay, nhiều thị trường thế giới rất ưa thích sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu để DN nông nghiệp muốn phát triển bền vững, đẩy mạnh XK. Do đó, yêu cầu cấp thiết đối với DN ngành nông nghiệp hiện nay là phải ứng dụng bằng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo đảm mọi hàng hóa đều có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, theo ông Vũ Huy Phúc, phải tổ chức phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn để bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cùng với đó, rà soát sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất thuế VAT bằng 0% cho các lĩnh vực nông sản được ưu tiên thu hút đầu tư; bảo đảm công bằng trong đánh thuế VAT giữa hàng hóa XK và tiêu thụ nội địa. “CBNS không chỉ giúp gia tăng giá trị XK mà còn tận dụng triệt để các phụ phẩm để làm ra các sản phẩm khác. Đầu tư để nâng cao năng lực cho DN ngành CBNS chính là giải pháp mấu chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị XK cũng như phát triển nền nông nghiệp nước ta một cách bền vững”, ông Vũ Huy Phúc nêu rõ.

Bà Lê Thị Bích Thu cho rằng, chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp CBNS chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp. Cùng với đó, xây dựng chính sách có tính đột phá hỗ trợ DN đầu tư công nghệ hiện đại, CBNS hàng hóa.

Ở góc độ khác, bà Trần Hoàng Yến, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản) cho rằng: "Đa phần sản phẩm thủy sản Việt Nam XK ở dạng sơ chế, không phải tất cả là do năng lực của DN Việt Nam kém. Vấn đề ở đây là ở một số thị trường trọng điểm, như EU, Mỹ, Nhật Bản… có nhiều DN muốn nhập sản phẩm sơ chế của Việt Nam, sau đó đưa về nước họ để chế biến sâu, từ đó thu lại hàm lượng giá trị gia tăng. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần xúc tiến thành lập trung tâm phân phối ở các thị trường lớn để hàng nông, thủy sản Việt Nam có thể trực tiếp phân phối vào các chuỗi bán lẻ của các nước. Nếu không quan tâm vấn đề này, rất khó để XK được những sản phẩm thủy sản chế biến sâu, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho DN và nền kinh tế đất nước”.

Lâm Nghi