Tiki và Sendo sẽ 'về chung một nhà', hình thành một kỳ lân mới?

00:00 12/10/2020

Theo DealstreetAsia, hai ‘ông lớn’ thương mại điện tử Việt Nam là Tiki và Sendo đã bắt đầu cho các cuộc đàm phán về việc sáp nhập. Tuy nhiên, cả hai đều chưa có phản hồi với thông tin trên.

Tiki và Sendo là 2 sàn thương mại điện tử nội địa thuộc top 4 website thương mại điện tử tại Việt Nam xét theo lượng truy cập. Danh sách này bao gồm: Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.

Tiki được thành lập và điều hành bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện, Công ty Cổ phần VNG đang nắm giữ 24,6% cổ phần của Tiki.

Ngoài ra, Tiki còn được rót vốn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ Singapore là EDBI, VNG, JD.com, đến các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; đến từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo… Đây là các quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ trên thế giới cũng như khu vực châu Á.

Còn Sendo được thành lập bởi tập đoàn FPT. Tại thời điểm tháng 6/2019, có 9 cổ đông nước ngoài nắm 57,31% vốn tại Sendo, gồm: SBI E-Vietnam Pte. Ltd (Singapore) sở hữu nhiều nhất, với 20,65% cổ phần và theo sau đó là Econtext Asia Ltd (Trung Quốc) với 10,57%.

Theo DealStreetAsia, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trụ lại được chỉ nhờ vào tiềm lực tài chính mạnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp đang gồng khoản lỗ rất lớn và được dự đoán sẽ tiếp tục lỗ thêm để duy trì vị trí của mình. Nếu không đủ tiền để "đốt", người nào bỏ cuộc, người đó trắng tay. Quy mô doanh nghiệp càng mở rộng đồng nghĩa số tiền chịu lỗ của một trang thương mại điện tử ngày càng tăng.

 

 Số liệu lợi nhuận của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.

Nếu như năm 2016 mức lỗ của nhóm "Big 4" ngành thương mại điện tử chỉ có 1.700 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi lên 3.400 tỷ và năm 2018 tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Tiki là gần 1.400 tỷ đồng còn Sendo lỗ gần 1.300 tỷ.

Mặc dù vẫn lỗ lớn nhưng giá trị của Sendo hay Tiki đều tăng lên đáng kể qua mỗi vòng gọi vốn. Với việc huy động thêm 61 triệu USD cho 14,6% cổ phần thì định giá của Sendo đã lên đến 400 triệu USD. Cả 2 trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ (startup có định giá trên 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam sau VNG. Việc sáp nhập nếu được thực hiện có thể ngay lập tức hình thành một kỳ lân mới.

Thảo Nguyên