Tiến sỹ Tô Hoài Nam: Đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ

00:00 12/10/2020

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Tiến sỹ Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có những trao đổi về vai trò và những đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm, có bản lĩnh và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của đội ngũ doanh nhân.

XinTiến sỹ cho biết một số đánh giá khái quát về thể chế và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và kinh tế tư nhân thời gian qua?

TS Tô Hoài Nam: Trước hết, cần phải nhìn nhận đại bộ phận doanh nhân Việt Nam đều thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Vì thế khi nói đến đội ngũ doanh nhân Việt Nam, phần lớn đều có hàm ý liên tưởng đến khu vực kinh tế tư nhân. Và nhìn nhận chung trong xã hội, đã có sự chuyển biến theo hướng ngày càng coi trọng vai trò của doanh nhân, của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Với chủ trương của Đảng hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, khung pháp lý và chính sách được xây dựng đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng và không phân biệt các thành phần kinh tế đã góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến mới trong cải cách môi trường kinh doanh của nước ta là những điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển. Chính vì vậy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đóng góp ngày càng nhiều hơn vào phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Tâm lý, thái độ xã hội cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực đối với sự hình thành, phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, của doanh nhân, doanh nghiệp. Gần như tuyệt đại bộ phận các tầng lớp trong xã hội, ngày càng muốn thấy sự thay đổi nhanh chóng theo hướng tích cực về kinh tế, và nhanh chóng hướng tới một nền kinh tế thị trường thực thụ. Môi trường xã hội cũng thân thiện hơn đối với doanh nhân. Thái độ đối với doanh nhân ngày càng tích cực, ngày càng giảm sự “kỳ thị” trong hệ thống cơ quan nhà nước. Một điểm chuyển biến thành công tích cực là những doanh nhân giỏi, làm giàu chân chính, đều được tôn vinh, ghi nhận. Nhiều doanh nhân đang tham gia hoạch định chính sách, tham gia hoạt động Quốc hội. Đây chính là những nhân tố khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh và trách nhiệm xã hội của khu vực này ngày càng cao và giúp nâng cao vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.

TS. Tô Hoài Nam (bên trái) trong một hoạt động an sinh xã hội nhân ngày Doanh nhân Việt Nam13/10

Thưa Tiến sỹ, trên thực tế, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay?

TS Tô Hoài Nam: Rất khó để nói thật sâu và rõ về điều này trong thời điểm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cần phải có một nhận xét có tính khái quát nhất, và cũng nhận được sự đồng thuận tương đối cao từ phía các doanh nhân Việt Nam thì có thể nhận xét do  xuất phát điểm về phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước trong khu vực, nên phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối non yếu do hoạt động chưa lâu trong môi trường thể chế kinh tế thị trường thực thụ và ổn định. Vì vậy năng lực quản trị, nhãn quan kinh doanh còn thấp, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp, chưa thật sự coi trọng liên kết kinh doanh nên chưa có nhiều doanh nghiệp trực tiếp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để thâm nhập thị trường thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp phát triển vẫn chủ yếu dựa trên giá nhân công rẻ, với đội ngũ lao động thiếu tay nghề, sử dụng công nghệ cũ, gây ô nhiễm, và với điều kiện kiện lao động tồi tàn, và chuẩn mực vệ sinh an toàn lao động thấp.

Tiến sỹ đánh giá thế nào về những nỗ lực, bản lĩnh của các doanh nhân trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid- 19?

TS Tô Hoài Nam: Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đại dịch khiến hoạt động sản xuất trì trệ, thương mại bị hạn chế, sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế đều sụt giảm mạnh, khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động kinh doanh. Nhưng trong nỗ lực “chiến đấu” với đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp bất kể quy mô lớn hay nhỏ, bất kể thành phần sở hữu đã luôn “sát cánh” cùng với Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Với vai trò tích cực trong phát triển bền vững, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và các hộ kinh doanh đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam, chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa mục tiêu kép của Chính phủ. Về điểm này rất cần phải nói thêm là trong nhiều tháng trở lại đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều bài viết về sự năng động và sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam để thích ứng với những khó khăn do Covid-19 tác động. Để góp thêm về điểm này, tôi chỉ muốn nhắc lại, khẳng định lại rằng: Nhiều doanh nhân đã từng chung một tâm sự là: “Doanh nghiệp của chúng tôi hiện nay đang rất khó khăn, hàng hóa dịch vụ đình trệ, nguồn tiền thì cạn kiệt dần, nếu tình hình này kéo thêm 3 đến 6 tháng nữa thì chắc là phải đóng cửa. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi có ý định cho bất cứ lao động nào nghỉ việc, chúng tôi muốn giữ chân người lao động đến phút cuối cùng với doanh nghiệp. Chúng tôi luôn tin là khi doanh nghiệp và ngời lao động cùng đứng về một phía thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn”. Đó là câu nói làm cho người nghe vô cùng cảm phục nhưng cũng xót xa. Điều đó cũng phản ánh sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ và cả tinh thần bất khuất truyền thống được kế thừa.

Và cũng có nhiều doanh nhân, cùng chung một ý chí, một suy nghĩ: “Lúc này chính là lúc mức độ cạnh tranh giảm vì nhiều đối thủ đã dừng “cuộc chơi”. Chúng ta phải tích cực chuẩn bị để khai thác triệt để thị trường từ Hiệp định EVFTA, Hiệp định CPTPP với toàn bộ sức lực còn lại của doanh nghiệp và sẽ hành động trong thời gian sớm nhất có thể. Điều  mà doanh nghiệp cần nhất lúc này chính vốn trung và dài hạn”. Thực sự đây là ý chí, suy nghĩ vô cùng ấn tượng bởi trong đó bao hàm bản lĩnh và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ.

Vậy Tiến sỹ có lời khuyên gì đối với doanh nhân, doanh nghiệp trong việc ứng phó với tình hình mới?

TS Tô Hoài Nam: Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội nước ta, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao độ vượt qua khó khăn để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch. Trước mắt, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội sau dịch COVID-19, trong điều kiện bình thường mới. Cần đổi mới, tổ chức lại theo hướng “gọn, nhẹ" và linh động hơn. Cần nâng cao năng lực, học tập, tìm kiếm những ý tưởng đổi mới mô hình kinh doanh, sản phẩm, phương thức phục vụ; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực năng động, sáng tạo và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong hội nhập quốc tế, trên tinh thần phát huy tính tự cường để vượt qua thách thức, để khai thác hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA … Qua đó góp phần thực hiện chuyển đổi môi trường kinh doanh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế và coi đây là cơ hội lớn để huy động vốn đầu tư, kết hợp với việc lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn.

Thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao đang được Đảng, Nhà nước quan tâm khuyến khích. Trong bối cảnh hội nhập, tinh thần kém hơn sẽ hạn chế sức cạnh tranh, hạn chế sự vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu. Vì thế chúng ta phải làm mọi cách đểtinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp phải luôn mạnh mẽ trong mỗi doanh nhân Việt Nam.

Xin cảm ơn Tiến sỹ về cuộc trao đổi!

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp đã không “nằm chờ chết” mà họ đã xác định cần phải sống chung với dịch, vì vậy “tự cứu mình” bằng việc xây dựng lại kế hoạch kinh doanh, thậm chí chuyển đổi phương thức kinh doanh để tồn tại.

PV (thực hiện)