Tiền lương và mức sống, cuộc rượt đuổi không ngừng

23:55 28/03/2022

Ngày 23/3/2022, báo Vietnamnet dẫn nguồn từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, với mức lương hiện nay, người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu. Con số này ở khu vực sản xuất tuy có cao hơn, nhưng cũng chỉ đảm bảo được 80% mức sống tối thiểu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đó là sự tính toán của năm 2020. Còn đến nay, sau liên tiếp 7 lần tăng giá xăng, kéo theo tất cả các mặt hàng tăng theo khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Theo khảo sát của một tờ báo lớn, có uy tín vào bậc nhất: bình ga 12 kg đang từ 350 ngàn tăng lên 500 ngàn. Cân đường tăng 67%, chai dầu ăn tăng 23%, đến chai mắm, gói mỳ tôm cũng tăng giá 28; 25%...một tờ báo đã đưa ra một dẫn chứng rất cụ thể: cách đây mấy năm, 1.000 đồng còn mua được 5 chiếc bánh quẩy (thứ bánh dùng để ăn kèm với phở). Nay thì những tờ tiền có mệnh giá 200 đồng; 500 đồng đã biến mất khỏi đời sống xã hội, và 5 ngàn đồng chỉ mua được 3 chiếc bánh quẩy. Nghĩa là với một mặt hàng nhỏ nhất là chiếc bánh quẩy, chỉ sau mấy năm đã tăng giá tới 800%. Với sự tăng giá phi mã đó, thì khoảng cách giữa mức lương với 50% và 80% mức sống tối thiểu cũng không còn giữ được nữa. Đã thế, trong 2 năm qua, tính từ năm 2020, mức lương tối thiểu vùng vẫn “dẫm chân tại chỗ”, lùi lộ trình tăng theo kế hoạch, khiến người lao động càng khó khăn hơn. Theo Phó trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, thì “tiền lương tối thiểu vùng hiện không còn bảo vệ được người lao động yếu thế, không đảm bảo được ý nghĩa là để đáp ứng mức sống của người lao động và gia đình”.

Lương đã không đảm bảo được mức sống tối thiểu, thì nói gì đến chuyện nuôi gia đình và tích lũy nữa? Trước thực trạng đó, người lao động sẽ làm gì để tồn tại?

Tất nhiên là chỉ còn 2 cách: thứ nhất là làm thêm và thứ hai là giảm mức chi tiêu. Đời sống không còn ở mức tối thiểu nữa mà bị đẩy xuống dưới mức tối thiểu. Ngoài giờ làm, rất nhiều công nhân ở các khu công nghiệp còn nhao ra đường buôn bán vặt vãnh hoặc tìm những công việc khác. Việc làm thêm quá nhiều sẽ vắt kiệt sức lao động của người lao động, dẫn đến năng suất lao động giảm, tai nạn tăng. Về việc giảm mức chi tiêu, cũng đồng nghĩa với việc giảm mức sống, theo thống kê năm 2021 của Viện công nhân, công đoàn, thì 21% người lao động phải ăn nhiều mỳ tôm hơn; 48% người lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% người lao động phải chuyển từ mua sắm hàng ngày sang sử dụng lương thực, thực phẩm do người thân cung cấp và 15% người lao động phải giảm bữa, gộp bữa…

Tiền lương, về bản chất, chính là giá cả của sức lao động, dùng để người lao động bù đắp lại phần sức lực đã bỏ ra và tái sản xuất sức lao động mới. Chừng nào mà tiền lương không đảm bảo được hai ý nghĩa đó, thì nền sản xuất sẽ khó lòng phát triển, vì người lao động chính là linh hồn của nền sản xuất.

Bút Thép