Thường Xuân (Thanh Hóa): Điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai

00:00 12/10/2020

Là một huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thường Xuân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với du lịch tâm linh. Tận dụng ưu thế của địa phương, hiện nay huyện Thường Xuân đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, để nơi đây trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh trong tương lai.

 

Đồng chí Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại trang trại hoa Lương Sơn (Thường Xuân)

Tiềm năng, thế mạnh

Mảnh đất Thường Xuân đã đi vào thơ ca với sản phẩm quế Ngọc nổi tiếng “...về Thường Xuân thơm lừng hương quế”, nơi đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Mỗi  ngọn núi con sông, tên làng, tên bản đều gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, với phong trào Cần Vương của danh nhân Cầm Bá Thước. Đến với Thường Xuân là đến với phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Mường, đồng bào vùng giáp ranh với nước bạn Lào và thưởng thức những món ăn dân dã mà đậm đà khó quên.

Thường Xuân còn có cảnh quan thiên nhiên đa dạng phong phú tạo nên một quần thể sinh thái hấp dẫn. Đó là lòng Hồ Cửa Đạt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với nhiều loài động, thực vật tìm thấy ở đây được ghi trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. Đó là hệ thống các hang động và thác nước đẹp mê hồn: Hang Lù, hang Lãm, hang Mường, hang Trăng Sáng, thác Thiên Thủy, thác Hón Yên, thác Trai Gái. Đó là các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng: Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn (Mẹ của núi rừng) nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, Khu Di tích Hội thề Lũng Nhai là điểm nhãn trong bức tranh du lịch tâm linh của đất Thường Xuân.

Ngoài ra, Thường Xuân còn có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng, nhiều làng nguyên sơ và nét văn hóa truyền thống của người Thái đang còn được gìn giữ. Từ đường tỉnh qua cây câu treo vắt qua dòng sông Chu hiền hòa thơ mộng là bản Mạ (nay là Thôn Thanh Xuân ) xã Xuân Cẩm là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện. Cảnh quan nơi đây thơ mộng hữu tình, người dân sống rất hiền hậu, thật thà và hiếu khách. Đặc biệt, người dân vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của người Thái như: Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống. Cùng với nhiều món ăn đặc trưng chỉ đồng bào Thái mới có như: Canh ui, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng...

Đồng chí Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân)

Du lịch cộng đồng bản Vịn thuộc xã Bát Mọt cũng nằm trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của huyện năm 2019. Đây là một bản làng người Thái được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh đẹp hoang sơ, có tiềm năng du lịch sinh thái. Nơi đây được ví như một Tam Đảo hay Sapa của huyện Thường Xuân. Để đến được đây du khách phải vượt hơn 50k đường rừng với 2 bên đường là những cánh rừng thăm thẳm ngút ngàn và nhưng cung đèo uốn lượng quanh co. Một trong những điểm đến trên bản Vịn khá thú vị là Thác suối Liềm. Con thác này có phong cảnh còn hoang sơ, nằm cách xa khu vực dân cư và phải mất khoảng 2 tiếng đi bộ để đến được thác.

Ngoài ra Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với đỉnh Pù gió cao 1.600m, Hồ Cửa Đạt - hồ Thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á cũng là một đại dương xanh nơi hội sơn tụ thủy, thắng tích, cảnh đẹp mê hồn. Thác Yên hiền hòa thơ mộng, thác Thiên Thủy hùng vĩ tráng lệ… bên những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ với nhiều loài động thực vật quý hiếm, là những  trải nghiệm du lịch sinh thái tuyệt vời cho du khách vào mỗi dịp hè về. Du thuyền 10km thưởng ngoạn cảnh sắc hồ Cửa Đạt và dã bộ 300m Thác Yên hùng vĩ nước đổ tung bọt trắng xóa ví như dải lụa trời phơi trắng, tiếp tục len lỏi trong ngút ngàn của rừng xanh.

Các làng nghề truyền thống cũng là một trong những thế mạnh trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân có thể phát triển các làng nghề như: dệt thổ cẩm, đan lát, thủ công mỹ nghệ, mộc, chưng cất tinh dầu quế,…

Có thể nói quê hương của sản phẩm quế Ngọc Châu Thường nổi tiếng này được xếp vào danh mục các địa phương có tiềm năng, giàu tài nguyên thiên nhiên là điều kiện tốt để phát triển du lịch. Để phát huy lợi thế sẵn có, huyện Thường Xuân đã và đang tích cực quan tâm đầu tư nhằm biến nơi đây trở thành những khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.

Các chương trình phát triển du lịch

Năm 2018, bằng nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, huyện Thường Xuân đã đón được trên 82.000 lượt người. Đặc biệt, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, lượng khách đến Thường Xuân đã đạt trên 81.000 lượt người.

Để đạt được kết quả ấn tượng trên, địa phương đã tích cực chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt Lễ hội đền Cửa Đạt; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông… cho nhân dân và du khách thập phương. Đồng thời, chỉ đạo xã Xuân Cẩm trang trí cảnh quan cho cầu treo Thanh Xuân, tạo dựng vườn hoa và tổ chức các trò chơi dân gian tại làng du lịch cộng đồng Thanh Xuân…

Huyện Thường Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tháng 03/2018 huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân. Cụ thể, đã khảo sát hai địa điểm là bản Vịn, xã Bát Mọt và thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm. Hiện nay, đối với thôn Vịn cơ sở nhà cửa cơ bản đáp ứng được yêu cầu du lịch cộng đồng, đối với thôn Thanh Xuân đã có nhiều hộ dân thôn thí điểm làm du lịch cộng đồng, bước đầu đã thu được một số hiệu quả nhất định. Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tạo cơ chế ưu đãi cho các hộ gia đình này được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, phát triển.

Cây cầu treo bắc qua sông Chu dẫn vào thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm (Thường Xuân)

Đối với loại hình du lịch tâm linh tập trung đánh giá và thực hiện quy hoạch các điểm gồm đền thờ Trời, Pú Pen, đền thờ Cầm Bá Hiển xã Vạn Xuân kết nối với khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, khu di tích lịch sử văn hóa Hội thề Lũng Nhai, thực hiện di dời đền Cô Ba – thác Mạ xã Xuân Cẩm.

Huyện Thường Xuân cũng đấu mối với Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa nhằm quảng bá, xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp lữ hành du lịch xây dựng tour, tuyến đến các điểm tham quan. Thực hiện quảng bá tiềm năng du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế VITM - tại Hà Nội hàng năm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện nhiều tin, bài, phóng sự, video giới thiệu về tiềm năng du lịch huyện Thường Xuân.      

Bên cạnh đó, huyện cũng rất tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng làng du lịch cộng đồng. Quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, như: Các ngôi nhà sàn truyền thống, khua luống, nhảy sạp, dệt thổ cẩm,... và các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, Mường, qua đó đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Mới đây, ngày 15/2, đồng chí Lê Thị Thìn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã tiến hành khảo sát các tour và kiểm tra công tác quản lý, phát triển du lịch tại các điểm du lịch đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận năm 2019, trên địa bàn huyện Thường Xuân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn ghi nhận và đánh giá cao công tác tổ chức lễ hội đầu năm và các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch của huyện Thượng Xuân. Để khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn, huyện Thường Xuân cần đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá. Trước hết cần tập trung kết nối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng, liên kết tour tuyến phát triển du lịch, phấn đấu xây dựng bản Mạ (xã Xuân Cẩm) trở thành bản kiểu mẫu…

Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Hiện nay du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đã hoàn chỉnh đề án trình tỉnh phê duyệt. Trong năm 2019, UBND huyện Thường Xuân tập trung xây dựng, phát triển hai điểm du lịch cộng đồng là bản Mạ (thôn Thanh Xuân) của xã Xuân Cẩm và thôn Vịn xã Bát Mọt. Vì loại hình du lịch này có tiềm năng cũng như mang lại thu nhập lớn cho người dân địa phương. Sắp tới huyện sẽ mở rộng quy hoạch, phân khu chức năng du lịch sinh thái trong đó tập trung vào khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và lòng hồ thủy điện Cửa Đạt nhằm phát triển hơn nữa du lịch tâm linh trên quê hương Thường Xuân.

                                                                                                                                                              Mai Xuân Thắm