Thường Xuân: Phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội

00:00 12/10/2020

Phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động...

Theo đó, huyện miền núi Thường Xuân - Thanh Hóa đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành chỉ tiêu nói trên với kết quả đáng ghi nhận nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua Thường Xuân đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Trong đó việc phát triển doanh nghiệp (DN) cùng hộ kinh doanh cá thể đã được chỉ đạo triển khai sâu rộng và đạt được hiệu quả tích cực.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến thăm Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu thuộc Công ty CP công nghiệp gỗ Đông Dương, xã Luận Thành (Thường Xuân)

Từ năm 2016, quán triệt chủ trương của huyện, xã Ngọc Phụng đã tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Hạ tầng cảnh quan Hoàng Gia thuê 10ha đất trồng cây ăn quả. Công ty triển khai trồng cây bưởi Diễn trên diện tích 3,5ha, cho doanh thu hơn 300 triệu đồng/ha. Đến nay, công ty đã đầu tư trồng thêm 1.700 gốc cùng loại trên diện tích 5ha. Ngoài ra, còn đầu tư trồng thêm các loại cây ăn quả khác mang lại giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, cam ruột đỏ... dần khép kín diện tích 10ha.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Thường Xuân đã thu hút và tạo điều kiện cho Công ty CP công nghiệp gỗ Đông Dương đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại xã Luận Thành. Nhà máy có công suất 90m3 gỗ thành phẩm 1/ngày đêm. Từ khi chính thức vận hành thương mại, tháng 11/2018, thành phẩm của nhà máy đã được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ... giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5,5 triệu đến 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2018, với mục tiêu thành lập mới 30 DN, huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo đó, một số xã đã hoàn thành kế hoạch như: Vạn Xuân, Thọ Thanh, Xuân Cẩm... Đa số các DN mới thành lập đều sớm đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định.

 Song song với cải thiện môi trường đầu tư, Thường Xuân cũng đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến cho các hộ kinh doanh cá thể, khuyến khích chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN. Hộ gia đình ông Kiều Văn Giỏi, Thôn 1, xã Thọ Thanh là một điển hình trong công tác chuyển đổi với tên là Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ K&Đ, hoạt động nuôi và sản xuất phân hữu cơ từ phân trùn quế. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, công ty xuất bán 20 tấn phân trùn quế và 1,5 tấn giun thịt, lợi nhuận trung bình thu được từ 40 đến 65 triệu đồng/tháng, duy trì được nhiều hợp đồng dài hạn với các đối tác.

Sự phát triển của cộng đồng DN Thường Xuân được thể hiện trên nhiều mặt. Huyện cũng quan tâm đến công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp cho đa dạng các đối tượng khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thành lập DN, bên cạnh đó cũng không quên các hoạt động về an sinh xã hội đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Hằng năm, UBND huyện còn tổ chức gặp gỡ DN, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, để không ngừng thu hút các nhà đầu tư về với Thường Xuân.

Tin rằng, những thành quả đã đạt được sẽ là cơ sở nền tảng để Thường Xuân hoàn thành tốt và vượt kế hoạch về mục tiêu phát triển DN năm 2019, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Minh Hiền