Thung lũng Silicon có thể học được gì từ nền tảng hỏi & đáp Zhihu của Trung Quốc

10:01 27/03/2021

Nền tảng hỏi đáp lớn nhất của Trung Quốc Zhihu đã bắt đầu giao dịch tại New York với giá 9,5 USD / cổ phiếu và định giá công ty vào khoảng 5,3 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Tổng quy mô chào bán đợt IPO của Zhihu cũng như các đợt phát hành riêng lẻ là 772,5 triệu USD. Động thái này của Zhihu đã thu hút được sự chú ý của một số giám đốc điều hành và nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon.

Hoạt động cốt lõi của “Quora Trung Quốc” là hỏi và đáp (Q&A). Kai-Fu Lee, nhà đầu tư hạt giống ở Zhihu và là cổ đông bên ngoài lớn nhất của công ty với 13% cổ phần chia sẻ: “Tôi nghĩ Quora là một sản phẩm tốt, nhưng tôi cho rằng Zhihu ngày nay có thể nói là ngang bằng, thậm chí vượt hơn Quora của mười năm trước”. Lee, một chuyên gia AI và là một cộng tác viên nhiệt huyết của Zhihu nói thêm: “Zhihu đã trưởng thành và đang trên đà trở thành một siêu ứng dụng đa diện tập trung vào kiến ​​thức trong khi Quora vẫn là một trang web hỏi đáp đơn thuần”. Ngoài việc hỗ trợ Q & A, Zhihu cũng đã phát triển nội dung tại các mảng video trực tiếp, âm thanh, giáo dục trực tuyến cùng một số hình thức phổ biến khác. Ngày nay, Zhihu thu về khoảng 70-80% doanh thu từ quảng cáo và nỗ lực đa dạng hóa các luồng thu nhập.

Lee nhận xét rằng, việc các công ty khởi nghiệp Trung Quốc sẵn sàng “tái tạo lại bản thân và vượt lên chính mình” là điểm khác biệt so với các công ty Mỹ. Một nhà đầu tư phân tích: “Bởi vì các công ty biết rằng nếu họ không làm điều đó, các đối thủ sẽ bắt lấy cơ hội và công ty rất nhanh chóng sẽ bị đáng bại. Tôi thấy các doanh nhân Mỹ có xu hướng đầu tư trong vùng an toàn hơn là mạo hiểm. Tôi thực sự nghĩ rằng Thung lũng Silicon và các doanh nhân Hoa Kỳ nên đến Trung Quốc để tìm kiếm những ý tưởng hoặc nguồn cảm hứng làm những điều khác biệt.”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Từ năm 2019 đến năm 2020, người dùng hoạt động hàng tháng của Zhihu đã tăng từ 48 triệu lên 68,5 triệu, một dấu hiệu cho thấy nền tảng này đã phát triển mạnh mẽ vượt ra ngoài nhóm khách hàng nhỏ và vươn tới giới tinh hoa công nghệ Trung Quốc, các nhà đầu tư và học giả đã lần lượt bị thu hút. Doanh thu của Zhihu đã tăng từ 670,5 NDT (102 triệu USD) vào năm 2019 lên 1,4 tỷ NDT vào năm 2020, trong khi lỗ ròng của công ty giảm từ 1 tỷ xuống còn 517,6 triệu NDT.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Zhihu đã cho thấy một vài lỗ hổng dẫn đến xung đột vì lợi ích. Thoạt đầu, Zhihu hoạt động với mục tiêu đơn thuần là cung cấp và mở rộng kiến thức đến người dùng và không khuyến khích thương mại hóa. Tuy nhiên, để có thể trang trải và tiếp tục tồn tại buộc nhà phát triển phải triển khai các hoạt động quảng cáo. Điều này khiến cho Zhihu phải cân nhắc để cân bằng giữa lợi ích thương mại sản phẩm và lợi ích người dùng. Bên cạnh đó, Zhihu có hợp tác sâu rộng với các nền tảng thuộc sở hữu của các ông lớn cũng là cổ đông của công ty như Tencent, Baidu và Kuaishou. Ví dụ: nội dung Zhihu được hiển thị trong kết quả tìm kiếm trên WeChat và có công cụ tìm kiếm riêng. Mặc dù bắt tay với những gã khổng lồ có thể thúc đẩy tăng trưởng người dùng cho một công ty quy mô nhỏ hơn, nhưng sự phụ thuộc cũng có thể khiến một công ty khởi nghiệp lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi phải chia sẻ một số lớn cổ phần trong giai đoạn còn non trẻ và làm lung lay lợi ích của nhiều đồng minh.

TL