Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô thấp khiến doanh nghiệp không chủ động nội địa hoá?

00:00 12/10/2020

Chuyên gia lo ngại, duy trì thuế nhập linh kiện ở mức thấp khiến các doanh nghiệp có xu hướng nhập linh kiện về lắp ráp nên sản xuất linh kiện trong nước không thể phát triển.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây đã có kiến nghị, thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe lắp ráp nhập khẩu nguyên chiếc (CKD) nên được loại bỏ vô điều kiện, bất kể nhập khẩu từ đâu.

Theo ATIGA, Việt Nam bắt đầu bỏ thuế hầu hết các linh kiện nhập khẩu có xuất xứ từ các nước thành viên với điều kiện được nội địa hóa tại chính nước đó.

"Để phát triển ngành ô tô chung tại Việt Nam, việc thúc đẩy sản lượng là rất cần thiết. Việc đa dạng hóa các nhà cung cấp trên thị trường sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao", EuroCham đề xuất.

Tuy nhiên, là người có hơn 30 năm làm việc trong phòng nghiên cứu - phát triển tại các nhà máy ô tô của Đức, Chuyên gia về ô tô Nguyễn Minh Đồng lại cho rằng, Việt Nam tập trung bảo hộ sản xuất xe lắp ráp nhưng lại ưu đãi chưa đúng chỗ. 

“Chẳng hạn, chúng ta duy trì đánh thuế rất cao với xe nhập khẩu nguyên chiếc giúp các doanh nghiệp lắp ráp trong nước không phải lo chuyện cạnh tranh từ xe nhập. Tuy nhiên, chúng ta lại duy trì thuế nhập linh kiện ở mức thấp hơn nhiều trong một thời gian dài. Điều này khiến các doanh nghiệp có xu hướng nhập linh kiện từ các quốc gia có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển về lắp ráp nên sản xuất linh kiện trong nước không có cơ hội phát triển", ông Đồng nói.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội có liên quan nghiên cứu, xem xét ý kiến của chuyên gia, báo cáo Thủ tướng.

Được biết, liên quan tới vấn đề này, mới đây Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc kiểm tra, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm ôtô nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước ASEAN đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất (0%) theo hiệp định ATIGA.

Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giữa 10 nước thành viên, Việt Nam bắt đầu bỏ thuế hầu hết các linh kiện nhập khẩu có xuất xứ từ các nước nói trên với điều kiện được nội địa hóa tại chính nước đó.

Còn trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTAs thế hệ mới), Việt Nam đều không cam kết bỏ thuế nhập linh kiện ô tô.

Cụ thể, trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN- Trung Quốc, ASEAN- Nhật bản... Việt Nam không cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ô tô.

Trong sân chơi toàn cầu của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên, mức cam kết giảm thuế cuối cùng đối với linh kiện, phụ tùng ô tô là từ 0% - 30% tuỳ theo linh kiện, tùy vào thời điểm.

Các Hiệp định FTA khác vẫn duy trì mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một tỷ lệ số dòng linh kiện, phụ tùng nhất định tại thời điểm cuối cùng (tỷ lệ số dòng duy trì thuế suất chiếm từ 24% đến 77%, thời điểm cam kết cuối cùng là từ năm 2022 đến 2029 tùy Hiệp định).

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng thuế nhập linh kiện 0% từ bất kể các quốc gia nào nếu đáp ứng đủ điều kiện sản xuất sản lượng chung tối thiểu năm 2018, 16.000 xe/năm, 2019 là 17.000 xe/năm, 2020 là 20.000 xe/năm, 2022 là 27.000 xe/năm.

Trong đó, từng mẫu xe cam kết là từ 6.000 chiếc/năm (2018); 7.000 chiếc/năm 2019 và 10.000 chiếc/năm 2022.

Chuyên gia đánh giá, Nghị định của Chính phủ là cởi mở hơn, dễ dàng hơn cho doanh nghiệp hưởng thuế nhập 0%. Tuy nhiên, lại không có ràng buộc cam kết, trách nhiệm để doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Về cách tính tỷ lệ nội địa hoá ôtô hiện nay, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: “Hiện cách tính tỷ lệ nội địa hoá vẫn được áp dụng theo Thông tư 05 của Bộ Khoa học công nghệ. Theo đó phương pháp tính căn cứ vào tỷ lệ nội địa hoá của các cụm linh kiện. Phương pháp này không giống với cách tính chung của ASEAN là theo giá trị linh kiện nọi địa hoá trên một mẫu xe”.