Thực thi CPTPP: Doanh nghiệp phải coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên

00:00 12/10/2020

CPTPP mang lại đến cho các DN Việt nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, do đó, các doanh nghiệp phải chủ động đón đầu và khai thác những lợi thế để phát triển. Doanh nghiệp không nên coi các hàng rào kỹ thuật trong Hiệp định là rào cản mà cần dựa vào các yếu tố này để nâng cao sản phẩm của Việt Nam.

“Chủ động khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá” là hội thảo chuyên đề 3 trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, diễn ra ngày 2/5, tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đã qua 3 tháng đầu tiên của quá trình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao nhất và có mức độ tự do hóa sâu rộng nhất từ trước đến nay của Việt Nam.  

Cơ hội từ CPTPP mang lại rất lớn nhưng thách thức từ những đòi hỏi khắt khe của CPTPP cũng không ít. Và quan trọng hơn cả là làm thế nào để tận dụng được cơ hội. Nhưng, theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Thư ký của Hiệp hội Da giày thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội từ CPTPP. 

“CPTPP là xương sống của ngành dệt may, nhưng xương sống không nuôi được cả cơ thể vì cần phải có nền tảng”, ông Vũ Đức Gian -  Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu.

Cũng chia sẻ về thách thức của doanh nghiệp Việt, cụ thể là của doanh nghiệp ngành may, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, ngành dệt may Việt Nam gần như chỉ tham gia vào khâu cắt may - khâu có gia tăng thấp nhất. Trong khi xuất khẩu chỉ có giá trị gia tăng cao khi tự thiết kế, sản xuất và bán.

Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ... mà còn đặt ra yêu cầu cao về quản trị minh bạch, được kỳ vọng là thúc đẩy tiến trình, sáng tạo, thương mại, đầu tư trên thế giới và các bên, giúp nâng cao mức sống cho người lao động, người dân.

Vậy, với CPTPP, liệu các ngành sản xuất, xuất khẩu của chúng ta có thể vượt qua được những trở ngại trong quá khứ, để bứt phá mạnh mẽ và để hiện thực hóa ngoạn mục các cơ hội từ CPTPP mang lại?

Quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là ứng phó với những hàng rào như vậy tất nhiên trước hết vẫn là chuyện của doanh nghiệp. Nhưng có những việc từng doanh nghiệp rất khó làm, thậm chí không làm được.

Đơn cử như hiện không ít ngành xuất khẩu mũi nhọn của chúng ta đang lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các khu vực lãnh thổ không thuộc CPTPP. Đây là điểm yếu cốt tử ngăn cản họ hiện thực hóa cơ hội thuế quan.

Điểm yếu này đã được nhận diện và khá nhiều giải pháp được đưa ra. Ví dụ, đối với dệt may, da giầy là phát triển ngành dệt nhuộm, thuộc da; phát triển vùng nguyên liệu; tăng giá trị các khâu trên đáy như thiết kế, phân phối trong “đường cong nụ cười” lợi nhuận...

Nhưng những hành động quyết liệt để triển khai các giải pháp này trên thực tế lại vắng bóng. Hoặc có hành động thật, nhưng thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, ràng chân buộc tay doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ cần những chính sách đồng bộ, liên hoàn và quyết liệt, để tất cả chúng ta có thể biến các cơ hội tiềm năng của CPTPP thành lợi nhuận có thực cho các doanh nghiệp, thành thu nhập tốt hơn cho người lao động, và thành những chỉ số thịnh vượng cho cả nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI khích lệ: “CPTPP là hiệp định thế hệ mới, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lớn hơn và điều kiện để hiện thực hoá càng không đơn giản. Nhưng  "cơ hội có thể có cả trong những khía cạnh tưởng chừng như khó khăn nhất", ông Lộc lo ngại.

Hiến kế để khai thác hiệu quả CPTPP, bà Kim Hạnh - Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao nêu 3 vấn đề: Thứ nhất là vấn đề thông tin, các hiệp hội với Nhà nước và Bộ chưa có mối quan hệ, chia sẻ với nhau đến cùng, việc tiếp nhận và phổ biến thông tin chưa được sâu sát, nhất là về Hiệp định CPTPP.

Thứ hai là vấn đề tiêu chuẩn. Tâm trạng doanh nghiệp Việt Nam khi làm tiêu chuẩn là đối phó, cần thay đổi. Cuối cùng là vai trò của hiệp hội. Hiệp hội nếu không đủ hiểu thị trường, không lắng nghe doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi.

Thứ  trường Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, vấn đề lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, phải thay đổi tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường. "Sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động", ông Khánh nhấn mạnh.

Linh Đan