Thực tại ngành muối: Nhập khẩu mỗi năm hàng tỷ USD dù nhiều tiềm năng phát triển

18:11 14/03/2022

Ngành muối nhiều tiềm năng phát triển bởi Việt Nam có lợi thể về vị trí địa lý với hơn 3.200 km bờ biển trải dài theo đất nước. Tuy nhiên, hiện tại chất lượng, năng suất thấp chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước , giá cả cũng không thể cạnh tranh với muối nhập khẩu.

Thực tại của ngành muối

Theo thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), hiện nay nhu cầu sử dụng muối của nước ta khoảng 1,5 -1,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng muối trong nước chỉ đạt dưới 1 triệu tấn/năm. Chính vì vậy phải nhập khẩu mỗi năm khoảng 600 nghìn tấn muối mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Số lượng muối nhập khẩu có giá trị hàng tỷ USD. 

Trên thực tế, tại các vùng ven biển Việt Nam có truyền thống làm muối lâu đời. Vẫn thấy rất nhiều diêm dân loay hoay tìm đầu ra cho hạt muối.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Vấn đề này khiến nhiều người khá ngạc nhiên, bởi lẽ Việt Nam có vị trí địa lý nhiều tiềm năng để phát triển, sản xuất muối. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn có thể hiểu được vì sao Việt Nam nằm sát biển lại phải nhập khẩu muối với số lượng lớn như vậy.

Thứ nhất, phải kể đến việc hạ tầng, quy trình sản xuất muối chưa được đầu tư đồng bộ. Điều đó dẫn đến năng suất, chất lượng kém, kéo theo giá cả khó cạnh tranh với muối nhập khẩu.

Thứ hai, dù Chính phủ, Bộ NN&PTNT ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và phát triển cho ngành muối nhưng có rất ít doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản cho ngành này.

Thứ ba, hơn 69% diện tích sản xuất muối là sản xuất thủ công. Nên sản lượng rất thấp, chất lượng sản phẩm kém, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đầu ra khó ổn định. 

Thứ tư, nhu cầu hiện tại trong nước là muối tinh, nhưng sản xuất thủ công đa phần là muối thô. Do đó, sản phẩm khó tiêu thụ mặc dù nhu cầu sử dụng muối lớn

Ngoài ra, khâu lưu trữ, vận chuyển, bảo quản còn nhiều khó khăn. Chưa áp dụng công nghệ tiên tiến vào chuối sản xuất và cung ứng.

Lối đi nào cho ngành muối?

Để gỡ khó cho ngành muối Việt Nam hiện nay, một số doanh nghiệp cho rằng, với các đồng muối sản xuất tập trung (hay còn gọi là các đồng muối công nghiệp) cần quay về với sản xuất muối công nghiệp (kết tinh dài ngày, nước chạt sâu, làm sạch sau thu hoạch, cơ giới hóa đồng bộ). Muối công nghiệp làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy hóa chất, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến muối tinh sấy cao cấp để góp phần thay thế muối tinh nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ.

Đặc biệt, cần tập trung phát triển mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và diêm dân, xây dựng vùng nguyên liệu muối chất lượng cao, phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của nông dân. Khuyến khích mở rộng doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã để hỗ trợ diêm dân trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm cho diêm dân, phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia liên kết và chia sẻ lợi ích tạo giá trị gia tăng.

Đi cùng với đó là việc xúc tiến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng thông qua triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, Nhà nước cần có những cơ chế ưu đãi hơn nữa về đất đai cũng như nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư lớn, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất muối, chế biến để giữ vững thị trường muối và phục hồi sản xuất công nghiệp sản xuất muối trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Đồng thời, có chính sách về hỗ trợ thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy chương trình liên kết giữa các đơn vị sản xuất muối và kênh tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực sản xuất trực tiếp cho các địa phương và doanh nghiệp.

Đình Lợi