Thúc đẩy săn tìm dự án bất động sản

00:00 12/10/2020

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay diễn biến ảm đạm, cả nguồn cung, sức cầu và tỷ lệ hấp thụ đều ở mức thấp. Song, bối cảnh đó lại là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm săn tìm, mua lại các dự án bất động sản.

Một số nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm các dự án nhà ở tại thành phố lớn để mua lại.

Cơ hội cho các nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng nhất trong 4 năm qua. Trong quý I-2020, cả nguồn cung, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ đều sụt giảm mạnh. Cụ thể, lượng giao dịch thành công chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt gần 15%. Từ đầu quý II-2020 đến nay cũng chưa có dự án nào được động thổ, khởi công, trừ một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn bất động sản Sohovietnam - đơn vị chuyên tư vấn mua lại, sáp nhập (M&A) dự án bất động sản, với các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, thị trường bất động sản khó khăn là cơ hội để thực hiện chiến lược mua lại, chuyển nhượng quỹ đất giá rẻ. Nhìn lại giai đoạn thị trường khủng hoảng 2009-2012, không ít doanh nghiệp bất động sản như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Novaland, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh… đã nắm bắt cơ hội thâu tóm nhiều dự án “đắp chiếu” nên ngày càng lớn mạnh nhờ sở hữu quỹ đất lớn.

Thực tế, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những chủ đầu tư chào bán dự án khách sạn tại Đà Nẵng hay Phú Quốc do những khó khăn bởi dịch Covid-19...

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Savills Việt Nam (đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản quốc tế), thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mua các dự án từ các nhà đầu tư đang gặp khó khăn. “Hiện có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư đã đặt hàng Savills tìm kiếm các tài sản như tòa nhà văn phòng, khách sạn vừa và nhỏ hay dự án khu nghỉ dưỡng, nhà phố… Tổng giá trị đầu tư khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng”, ông Sử Ngọc Khương thông tin.

Điểm đến thu hút đầu tư

Chia sẻ về xu hướng mua lại, sáp nhập dự án bất động sản, ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bất động sản du lịch Việt Nam cho biết, năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 3,31 tỷ USD, chủ yếu thông qua hình thức trên. Trong năm 2020, dự báo con số này tiếp tục gia tăng. Khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhanh chóng tiếp cận thị trường bất động sản tại Việt Nam thì hình thức mua lại, sáp nhập thông qua sở hữu cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp địa ốc trong nước... được xem là con đường ngắn nhất. 

Hơn nữa, so với các nước trong khu vực như: Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi có lợi nhuận hấp dẫn nên sẽ tiếp tục được nhiều nhà đầu tư tìm đến. Ông Simon Gong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển bất động sản SPG Land cho biết, đơn vị đang tìm kiếm các dự án để mua lại, tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở tại thành phố lớn. “Mặc dù giai đoạn này thực sự là giai đoạn khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội đầu tư rất tốt, bởi Việt Nam hiện đang là cái tên thu hút đầu tư tại khu vực”, ông Simon Gong đánh giá.

Ngoài ra, thị trường mua lại, sáp nhập sôi động cũng là tín hiệu tốt để khơi thông dòng chảy bất động sản Việt Nam, vốn đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức. Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang có lực cầu rất lớn. Dù vậy, thời gian qua các nhà đầu tư trong nước phải đối mặt với khó khăn về tín dụng trong khi nhà đầu tư nước ngoài khó thâm nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn này là “điểm rơi” thích hợp cho cả đôi bên thực hiện các thương vụ hợp tác.

Là đơn vị tư vấn các thương vụ đầu tư mua bán, chuyển nhượng lớn trên thị trường bất động sản, Savills Việt Nam cho biết, hiện nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu nhắm đến các dự án văn phòng cho thuê, nhà ở, khu công nghiệp và khách sạn ở các thành phố lớn. Tiêu chí hàng đầu vẫn là tính pháp lý phải rõ ràng, sau đó mới đến tính thanh khoản và lợi nhuận dài hạn của dự án... Xu hướng mua lại, sáp nhập dự án bất động sản hiện nay có nhiều khác biệt so với trước khi các nhà đầu tư không nhất thiết mua toàn bộ dự án. Thay vào đó là hình thức hợp tác sở hữu cổ phần từ 49 đến 76% để dần tiếp cận thị trường.

Còn xét theo từng loại hình, ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, các thương vụ mua lại, sáp nhập dự án bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Ngoài ra, phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm nay được dự báo là văn phòng và đất dự án để thực hiện các khu phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, việc siết chặt tín dụng vào bất động sản khiến dòng vốn đầu tư trong nước cho các dự án bị giảm mạnh, nhưng lại tạo cơ hội để hút vốn doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy mua lại, sáp nhập các dự án bất động sản ở Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường bất động sản đang hấp dẫn dòng vốn ngoại, tạo ra sự phát triển vững chắc trong tương lai.

Dạ Khánh