Thúc đẩy Hệ sinh thái Fintech Việt Nam: Khát vọng hóa “kỳ lân”

00:00 12/10/2020

Fintech được ghi nhận tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ nhờ sáng tạo sản phẩm, sự năng động, nhạy bén với thị trường, giúp cải thiện và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Fintech cũng được xem là nhân tố có thể kết nối được ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính với người dân, doanh nghiệp cần tới nhũng dịch vụ tài chính.

Tiềm năng từ lợi thế sáng tạo

“Chớ đánh giá thấp vai trò các công ty Fintech...” là chia sẻ của một chuyên gia tài chính - ngân hàng khi bàn tới sự “len lỏi” của các công ty này trong hệ thống tài chính Việt Nam ngày càng phổ biến hơn. 

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN ông Nghiêm Thanh Sơn thông tin: Fintech tại Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ khi số lượng các công ty Fintech tăng gần gấp bốn lần (từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên khoảng 150 công ty ở thời điểm NHNN thực hiện khảo sát vào tháng 10/2019). Trong đó, phần lớn các công ty Fintech tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thanh toán với 32 tổ chức trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép và đang hoạt động, bên cạnh đó là các công ty trong lĩnh vực P2P Lending và một số lĩnh vực khác như xác thực khách hàng, chấm điểm tín dụng...

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky khu vực Indochina, Việt Nam thì nhận thấy, Việt Nam hiện nay có một môi trường “chuyển đổi số” khá năng động so với các khu vực lân cận, có lực lượng lao động trẻ giàu năng lượng, cùng với đó là chính sách và chủ trương của nhà nước tương đối kịp thời, điều này làm bệ phóng cho Việt Nam có những nền tảng cơ sở để phát triển thị trường Fintech trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin tại Việt Nam được các trường đại học đào tạo khá tốt, có thể nói Việt Nam có tiềm năng rất lớn với nguồn nhân lực có kiến thức cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chưa kể tốc độ phổ cập điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh ở Việt Nam hiện rất cao, số lượng người dùng internet chiếm tới gần 64 triệu người, tương đương khoảng 70% dân số.

Tiềm năng của Fintech vẫn còn rất nhiều đất để khai phá. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thách thức đặt ra cho Fintech tại thị trường mới như Việt Nam không phải ít. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thách thức không chỉ nằm ở mô hình, văn hoá kinh doanh, cơ sở dữ liệu triển khai... mà còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận của khách hàng tại Việt Nam và của cơ quan quản lý tại Việt Nam.

Việt Nam ở thời điểm này chưa có kỳ lân Fintech, nên theo chuyên gia, trước khi nói tới những câu chuyện cao hơn, xa và rộng hơn về những doanh nhiệp công nghệ tài chính có vốn hoá lớn tại thị trường Việt Nam, phải hình thành và xây dựng một hệ sinh thái cho những đối tượng này, để có kỳ vọng sản sinh ra những “kỳ lân” Fintech trong tương lai gần. 

Cơ chế, chính sách phải phù hợp

Nhóm nghiên cứu ThS. Đào Mỹ Hằng - Học viện Ngân hàng (NHNN) nêu quan điểm, Việt Nam cần có chiến lược thận trọng để cân bằng sự cần thiết của thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng trong nền kinh tế. Đặc biệt là của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và DNNVV, với yêu cầu về ổn định tài chính và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Trước khi cho phép các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính và ngân hàng số được phát triển rộng rãi, Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động của các tổ chức này. Mục tiêu đặt ra khi xây dựng khuôn khổ pháp lý là đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền.

Nhìn thấy được tương lai cũng như tiềm năng của Fintech, Việt Nam đã có những động thái rất tích cực trong vài năm trở lại đây. Một trong những nội dung đặt ra tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư được ban hành trong năm 2019 là xây dựng thể chế và tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các loại hình kinh tế mới trong CMCN 4.0. Thực tế, nhiều quốc gia đã sớm xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ mới, điển hình như Fintech. 

Trong năm 2020, NHNN sẽ tập trung hoàn thành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn; khung khổ cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Căn cứ trên những kết quả thử nghiệm cho Fintech (khi có cơ chế sandbox), NHNN sẽ có thêm cơ sở để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giúp Fintech vận hành hiệu quả, đúng pháp luật. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, công nghệ luôn thay đổi, nhất là với lĩnh vực Fintech, nên áp dụng cơ chế sandbox theo chuyên gia phải xác định giới hạn về thời gian, không gian ban hành, đi kèm với kiểm soát, thay đổi liên tục để phù hợp và thích ứng với yêu cầu thị trường. 

Dưới góc độ một công ty Fintech, ông Nguyễn Tuấn Lương, Phó Tổng Giám đốc VNPay chia sẻ, cả phía ngân hàng cũng như các công ty Fintech cần phải thay đổi về mặt công nghệ để tạo ra những kết nối dễ dàng hơn. Đơn cử trường hợp VNPay, đơn vị này về mặt chiến lược được xây dựng theo hai hướng cơ bản, thứ nhất là thanh toán, và thứ hai là kết nối thương mại điện tử. Nhìn nhận khách quan, đến nay hệ sinh thái của VNPay đã kết nối tới 24 ngân hàng, 6 ví điện tử với lượng người dùng khoảng trên 15 triệu người đang tăng trưởng đều đặn. Theo ông Lương, chiến lược phát triển hệ sinh thái của đơn vị này liên tục mở rộng, giao thoa giữa các hệ sinh thái khác của một số tập đoàn lớn, các chuỗi nhà hàng, bán lẻ... 

Có thể thấy, việc một số công ty Fintech đi đầu như VNPay sẽ tạo ra bệ đỡ cho các công ty Fintech ra đời sau, với quy mô nhỏ chưa có điều kiện để tiếp cận với tệp khách hàng của ngân hàng có thể kết nối trực tiếp với hệ sinh thái của những công ty Fintech đã có thâm niên và mạng lưới. Nói cách khác, những công ty Fintech có thị phần lớn chính là “hub” kết nối các điểm bán hàng, các merchant, Fintech kết nối trực tiếp với nhau, làm phong phú thêm hệ sinh thái.  

Fintech phát triển tại mỗi thị trường khác nhau lại có những đặc điểm riêng, phản ánh yếu tố đặc thù thị trường, xã hội, chính trị. Điều cốt lõi để có thể hình thành nên một cộng đồng Fintech vững mạnh là phải đưa ra những cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp nhất với thực tiễn phát triển tại Việt Nam, và không quên tính tới yếu tố nhân sự. ThS. Nguyễn Văn Tâm, Học viện Ngân hàng cho rằng: Cần tăng cường hợp tác giữa các Fintech với tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống, cũng như các doanh nghiệp cung cấp internet, viễn thông... Việc hợp tác này sẽ phát huy lợi thế khai thác được năng lực của các bên, từ đó có thể phát triển nhân lực Fintech của các bên tham gia, tạo lợi thế win - win làm đòn bẩy cho Fintech vững mạnh hơn. 

Để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, NHNN hiện cũng đã ký một số thỏa thuận hợp tác về đổi mới tài chính với một số NHTW và Cơ quan quản lý tài chính trên thế giới như Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Hàn Quốc, NHTW Singapore (MAS), NHTW Thái Lan (BOT), NHTW Lào (BOL) để tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo kỹ năng, làm cầu nối giữa các nhà đầu tư các nước với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, hỗ trợ mở rộng thị trường ra nước ngoài của doanh nghiệp trong nước. Trong hai năm 2018, 2019, NHNN đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng Công nghệ tài chính - Fintech Challenge Vietnam” để tạo sân chơi giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các ngân hàng, đối tác thương mại khác.

 Minh Khuê