Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động

11:59 13/06/2022

Vừa qua, tại tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước".

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ban ngành và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề cùng 4.500 công nhân lao động (CNLĐ) tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang, 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân.

Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành cùng CNLĐ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, CNLĐ được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bình Dương
Ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bình Dương.

Vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám, chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính sách hỗ trợ tín dụng cho CNLĐ, giúp công nhân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng CNLĐ mắc bẫy "tín dụng đen". Công tác đào tạo nghề; các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để CNLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, tranh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, các chợ dân sinh, đảm bảo cho CNLĐ được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của CNLĐ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm. Giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt bị một bộ phận chủ nhà trọ đẩy lên cao; việc tăng giá sách giáo khoa; vấn đề con công nhân khó tiếp cận các trường học công lập trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú; việc cấp bách phải hình thành các điểm chợ gần khu công nghiệp và gần các doanh nghiệp đông công nhân…

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương.

Tại chương trình, đại diện các Bộ, ngành liên quan đã giải đáp những câu hỏi của CNLĐ đặt ra. Trong đó có nhiều nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm: Y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14.000 tỷ để tăng cường năng lực. Cả nước hiện có 55 triệu lao động, hơn 20 triệu lao động có giao kết hợp đồng nhưng chỉ có xấp xỉ 16 triệu người tham gia BHXH. 

Tình trạng rút BHXH một lần gây hệ lụy cho người lao động khi về hưu. Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc đầu tiên là nâng cao phúc lợi, đời sống của CNLĐ.

Về việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ đã hoàn thành hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách bảo hiểm, riêng việc điều chỉnh dần độ tuổi nghỉ hưu đã xong và trình Quốc hội vào năm 2023. Cụ thể, giảm dần thời gian đóng BHXH đủ điều kiện nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh tình trạng đóng BHXH 20 năm thì quá dài nhưng tinh thần "đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít, đóng ngắn thì hưởng ngắn".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin tại buổi đối thoại, hiện cả nước đã đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân thực hiện khoảng 122 dự án với quy mô khoảng 2,5 triệu m2 nhà ở cho công nhân, tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trong cả nước. Về chính sách hỗ trợ nhà ở để thực hiện Nghị quyết Quốc hội cũng như chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện nay có 2 chính sách đang được hỗ trợ là vay vốn và hỗ trợ nhà ở. Bộ trưởng cho biết, hiện chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên, Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành đã tập hợp xong danh sách đối tượng này, dự kiến số lượng theo tổng hợp là khoảng 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ… 

CNLĐ Bình Dương tham dự chương trình đối thoại
CNLĐ Bình Dương tham dự chương trình đối thoại.

Kết luận chương trình đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề để tập trung, rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, đồng thời chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động, trong đó có CNLĐ.

Hoàng Thu