Thứ trưởng Y tế đề xuất Hải Dương tăng thời gian giãn cách xã hội

23:07 18/02/2021

Ngày 18/2, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng thời gian giãn cách xã hội trên toàn tỉnh Hải Dương. Đồng thời, sớm có phương án đảm bảo an toàn cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp khi tái sản xuất tại TP. Chí Linh, Hải Dương, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trên địa bàn.

Qua kiểm tra các bệnh viện dã chiến số 1, số 2 và số 3, các điểm nóng, các khu cách ly tại tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh nói chung và TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng nói riêng.

Theo ông Sơn, việc quyết định phong toả toàn bộ TP. Chí Linh và cách ly 2.340 công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam là quyết định đúng đắn, kịp thời mà Bộ Y tế đánh giá rất cao.

Các lực lượng hoàn thành bước đầu nhiệm vụ của mình. Dịch bệnh Covid-19 ở Hải Dương dù phát sinh một số ca mới tại các khu cách ly nhưng cơ bản đã được kiểm soát.

“Dù dịch phát hiện trong hoàn cảnh bị động nhưng Hải Dương đã huy động nguồn lực nhanh chóng, nỗ lực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc xây dựng cơ sở cách ly tập trung thần tốc và giao trách nhiệm cho lực lượng quân đội là đúng đắn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Y tế đề xuất Hải Dương tăng thời gian giãn cách xã hội

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi làm việc với huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay, đã 23 ngày kể từ khi Hải Dương ghi nhận ca mắc Covid-19 cộng đồng đầu tiên và 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Ông Thăng chia sẻ, dịch Covid-19 ở Hải Dương có sự khác biệt so với nơi khác do đây là chủng virus mới, có tốc độ lây lan mạnh. Bên cạnh đó, dịch phát ra ở doanh nghiệp là Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam, nơi có nhiều công nhân (2.300 công nhân), sinh hoạt chung, ăn uống, giao tiếp chung.

Dịch lại diễn ra vào dịp cận Tết nên việc phòng chống gặp nhiều khó khăn. Do những yếu tố trên, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hải Dương phải nỗ lực hơn nhiều lần.

“Luồng dư luận cho rằng Hải Dương chậm chạp, thiếu quyết đoán trong một số tình huống, một số thời điểm khiến dịch bùng phát là không chính xác. Phải nhìn lại đa chiều toàn bộ lộ trình chống dịch ở Hải Dương sẽ thấy rõ điều đó. Đến nay, có thể nói, tình hình ở Hải Dương đã được kiểm soát. Chúng tôi thống nhất chiến lược truy vết nhanh, khoanh vùng xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và cách ly kịp thời để sớm ngăn chặn dịch bệnh”, ông Phạm Xuân Thăng chia sẻ.

Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng, khi đưa ra quyết định ở các giai đoạn của dịch, Hải Dương đều xin ý kiến của đoàn chuyên gia y tế và Bộ Y tế về mặt dịch tễ học. Việc phong toả ở đâu, cách ly chỗ nào phải dựa trên cơ sở dịch tễ, cơ sở khoa học, tuyệt đối không phong toả cực đoan.

“Chúng tôi quyết định cách ly toàn tỉnh là vì sự an toàn của Hải Dương và của cả nước. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc phòng, chống dịch và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương đưa ra”, ông Thăng nói.

 

Thứ trưởng Y tế đề xuất Hải Dương tăng thời gian giãn cách xã hội

Thứ trưởng Y tế đề xuất Hải Dương tăng thời gian giãn cách xã hội

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra các bệnh viện dã chiến, các điểm nóng, các khu cách ly tại tỉnh Hải Dương.

Cũng trong buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tỉnh Hải Dương sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 đi vào hoạt động để giảm tải cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn ngay từ ngày mai (19/2).

Thứ trưởng nêu rõ, cách đây 3 ngày, Hải Dương đã ban hành lệnh cách ly xã hội. Điều khó khăn rõ thấy của Hải Dương là môi trường lây nhiễm ở nhà máy, xí nghiệp vô cùng nhanh chóng.

“Tính đến thời điểm hiện nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố đều đã có ca nhiễm. Chúng tôi sẽ nắm bắt lại tình hình và tăng cường sự hỗ trợ về y tế đối với Hải Dương để nhanh chóng dập được dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Về ổ dịch Cẩm Giàng, theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, đây là ổ dịch nguy hiểm nhất của tình Hải Dương. Tỉnh đã tiến hành hàng loạt giải pháp tại địa phương này.

Theo đó, 100% các doanh nghiệp tại Cẩm Giàng sẽ phải thực hiện việc xét nghiệm cho công nhân trước khi tái sản xuất. Nếu xuất hiện công nhân nhiễm, phát sinh tại phân xưởng nào sẽ cách ly toàn phân xưởng đó.

Tính đến 13h chiều nay, Hải Dương đã thực hiện lấy mẫu cho 146.337 trường hợp. Phương án xét nghiệm trên diện rộng tại các địa bàn sẽ được UBND tỉnh Hải Dương xem xét thực hiện.

Nguyễn Liên