Thông tư 26 của NHNN được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng nào?

19:46 02/02/2023

Thông tư 26/2022 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 31/12/2022 được dự đoán sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng quốc doanh có nguồn tiền gửi dồi dào tại Kho bạc Nhà nước như Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 26/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 31-12-2022.

Thông tư mới vẫn giữ nguyên quy định về cách tính tổng cho vay và không thay đổi về trần tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) ở mức 85%. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là trong quy định cũ không đưa tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) vào cấu phần huy động thì trong thông tư mới lại cho phép tiền gửi có kỳ hạn của KBNN được tính vào tổng huy động với tỉ lệ khấu trừ nhất định.

Tỉ lệ này được khấu trừ theo lộ trình giảm dần, cụ thể là từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết năm nay, trừ 50% số dư tiền gửi KBNN. Từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024, trừ 60% số dư tiền gửi KBNN.

Từ ngày 1-1-2025 đến ngày 31-12-2025, trừ 80% số dư tiền gửi KBNN. Từ 1-1-2026, trừ 100% số dư tiền gửi KBNN.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán VNDirect, Thông tư 26 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có gần 50% tiền gửi KBNN có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (ước tính khoảng hơn 150.000 tỉ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý 4 năm ngoái), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay.

Những ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank có nguồn tiền gửi dồi dào từ KBNN sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể nhờ quy định mới này.

Còn nhớ thời điểm cuối quý 3 năm ngoái, hầu hết các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỉ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng vọt so với cuối năm 2021. Thời điểm đó, tăng trưởng tín dụng đến đạt 11,5% nhưng tốc độ tăng trưởng huy động là 4,6% so với cuối năm 2021, gây ra căng thẳng thanh khoản khiến mặt bằng lãi suất huy động liên tục nhảy múa.

PV