Thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân

06:51 18/02/2021

Chính phủ vừa quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong quý I năm 2021.

Vì lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân

Đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được Bộ Công an đưa ra nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật
Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật. (Ảnh: minh họa)

Việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân xuất phát từ một số yêu cầu cơ bản, bao gồm: yêu cầu từ sự phát triển kinh tế số và ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống xã hội; yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu cấp bách của việc triển khai Chính phủ điện tử và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; yêu cầu nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là các thông tin về lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính... ; yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR).

Nhận định từ Bộ Công an cho hay, hiện nay, tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng.

Ngày càng xuất hiện nhiều chủ thể thực hiện việc thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho những mục đích khác nhau. Tuy nhiên việc này lại không hề được thông báo cho khách hàng. Không ít các hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra. Thực tiễn cho thấy, những dịch vụ kỹ thuật số, dịch vụ điện tử, trực tuyến mới và việc sử dụng thông tin cá nhân trên không gian mạng (trò chơi trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, kinh doanh tiền ảo, kinh doanh đa cấp qua mạng...) đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng… Do vậy, việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết.

Thống kê cho thấy, hiện đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản... và Liên minh châu Âu hết sức coi trọng.

Ở nước ta - một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet xếp thứ 13 trên thế giới. Số lượng người sử dụng internet đã đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (66%), trong đó ước tính có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google.

Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh và cơ sở hạ tầng dữ liệu đang được cải thiện. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế.

8 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo dự thảo, dữ liệu cá nhân là dữ liệu về cá nhân hoặc liên quan đến việc xác định hoặc có thể xác định một cá nhân cụ thể.

(Ảnh: minh họa)

Dữ liệu cá nhân cơ bản gồm: a- Họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có); b- Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; c- Nhóm máu, giới tính; d- Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử; đ- Trình độ học vấn; e- Dân tộc; g- Quốc tịch; h- Số điện thoại; i- Số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội; k- Tình trạng hôn nhân; l- Dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng.

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm: Dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; Dữ liệu cá nhân về tình trạng sức khỏe là thông tin liên quan đến trạng thái sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của chủ thể dữ liệu được thu thập, xác định trong quá trình đăng ký hoặc cung cấp dịch vụ y tế; Dữ liệu cá nhân về di truyền là thông tin liên quan đến các đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân; Dữ liệu cá nhân về đời sống, xu hướng tình dục; Dữ liệu cá nhân về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật; Dữ liệu cá nhân về tài chính là thông tin được sử dụng để xác định tài khoản, thẻ, công cụ thanh toán do tổ chức tài chính cung cấp cho chủ thể dữ liệu hoặc thông tin về mối quan hệ giữa tổ chức tài chính, dữ liệu tiền gốc với chủ thể dữ liệu, bao gồm cả hồ sơ, tình trạng tài chính, lịch sử tín dụng, mức thu nhập…

Dự thảo nêu rõ, bảo vệ dữ liệu cá nhân phải đảm bảo 8 nguyên tắc: 1. Nguyên tắc hợp pháp: Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; 2. Nguyên tắc mục đích: Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã đăng ký, tuyên bố về xử lý thông tin cá nhân; 3. Nguyên tắc tối giản: Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong phạm vi cần thiết để đạt được mục đích đã xác định; 4. Nguyên tắc sử dụng hạn chế: Dữ liệu cá nhân chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 5. Nguyên tắc về chất lượng dữ liệu: Dữ liệu cá nhân phải được cập nhật, đầy đủ để bảo đảm mục đích xử lý dữ liệu; 6. Nguyên tắc an ninh: Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân; 7. Nguyên tắc cá nhân: Chủ thể dữ liệu được biết và nhận thông báo về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình; 8. Nguyên tắc bảo mật: Dữ liệu cá nhân phải được bảo mật trong quá trình xử lý dữ liệu.

Dự thảo cũng nêu rõ: Cơ quan, tổ chức vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định của pháp luật.

Hà An (Nguồn: http://baochinhphu.vn)