Thời điểm vàng” để phát triển ngành rong biển tại Việt Nam

09:05 06/12/2022

Hiện nay, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên diện tích 900.000 ha. Tuy nhiên, cả nước chỉ khai thác trồng được 10.150ha rong biển. Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trên thị trường, cùng với phim ảnh Nhật Bản, Hàn Quốc là sự du nhập ẩm thực từ các quốc gia này. Rong biển từ các nhà hàng Nhật, Hàn đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người và đã xuất hiện trong cả các nhà hàng Việt. Theo nhiều chuyên gia, hiện đang là “thời điểm vàng” để phát triển ngành rong biển tại Việt Nam.

Có bờ biển dài 3.260km với diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam rất thích hợp cho việc phát triển ngành rong biển, đặc biệt là vùng miền Trung có bờ biển đá và dải biến thiên nhiệt độ hẹp. Tại Việt Nam đã xác định được 800 loài rong biển. Trong đó, nhiều chi có sản lượng tự nhiên lớn như rong nâu (Sargassum, Hormophysa, Hydroclathrus); rong đỏ (Gracilaria, Hydropuntia, Hypnea); rong lục (Ulva, Chaetomorpha, Cladophora), rong nho (Caulerpa lentillifera) và một số loài khác, được nuôi trồng trong ao đìa, vịnh, bãi triều ven biển. Các nghiên cứu tại 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, Đá Tây, Sinh Tồn và Đá Nam) đã xác định được 255 loài rong biển thuộc 4 ngành là khuẩn lam (Cyanophyta), rong đỏ (Rhodophyta), rong nâu (Phaeophyta) và rong lục (Chlorophyta). Trong đó, rong đỏ chiếm ưu thế hơn cả (136 loài, chiếm 53,3%), tiếp theo là rong lục (69 loài, chiếm 27,0%), khuẩn lam và rong nâu có số lượng bằng nhau (25 loài, chiếm 9,8%).

Theo PGS. TS. Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Đại học Nha Trang), rong biển là nguồn chất xơ, giàu chất oxy hóa, vitamin và protein. Ngoài ra, rong biển còn được chứng minh có khả năng chống ung thư, kiểm soát bệnh béo phì, ức chế các enzyme gây dị ứng. Bên cạnh đó, rong biển còn làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp (thực phẩm, dệt may, mỹ phẩm, dược phẩm,...).

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết dù là tỉnh có điều kiện thuận lợi nhưng Phú Yên chỉ mới có khoảng 3,7 ha trồng rong nho tại thị xã Sông Cầu, sản lượng ước đạt 7,9 tấn/năm.

Tỉnh định hướng phát triển đến năm 2030, trồng rong nho khoảng 380 ha, sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm tại một số vùng vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu, Ô Loan (huyện Tuy An) và vùng biển mở nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân.

Tổng Cục thủy sản cho rằng ngành hàng rong biển có tiềm năng nhưng cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, kiến nghị các địa phương cần đánh giá tiềm năng lợi thế, tìm hiểu nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển sản xuất, chế biến rong tảo biển phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong tảo biển cả nước đạt 180.000 tấn; đến năm 2030, đạt 500.000 tấn. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người trồng rong biển tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rong biển xa bờ, chế biến rong biển trên cơ sở gắn kết với nhu cầu thị trường và quy hoạch của những đối tượng nuôi khác, ưu tiên các công nghệ cao tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ rong và đa dạng hoá sản phẩm theo nhiều hình thức khác nhau, cũng như xây dựng chuỗi giá trị để đảm bảo gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển trồng và chế biến rong biển một cách hiệu quả và hợp lý; tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động trồng, chế biến và tiêu thụ rong biển theo quy định tại Luật thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các Hội, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trồng, thu mua, chế biến rong biển tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh rong tảo biển; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Thanh Hà