Thời Covid, thời trang cũng chuyển đổi số

15:27 07/07/2021

Chuyển đổi số giúp thương hiệu thời trang Việt tồn tại giữa đại dịch COVID-19 và tạo ra những đột phá mạnh mẽ.

Bắt kịp xu hướng thương mại điện tử

Trong một khảo sát người dân thành thị Việt Nam gần đây của Công ty Quảng cáo Adsota, hơn 87% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ từng thực hiện giao dịch bằng phương thức thanh toán điện tử và cho biết quần áo là một trong những mặt hàng mua bán trực tuyến phổ biến nhất. Nhiều công ty nhận ra ngày càng nhiều người thích dùng các nền tảng trực tuyến để mua sắm quần áo và cập nhật những xu hướng thời trang. Để luôn “ở trong cuộc chơi” và tăng doanh số bán hàng, các công ty phải điều chỉnh hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu số mới này. 

Hai giảng viên Đại học RMIT (đầu tiên bên trái và thứ hai từ phải sang) phát biểu tại một tọa đàm về phát triển thương hiệu địa phương chính thống trong một thế giới hậu COVID-19.
Hai giảng viên Đại học RMIT (đầu tiên bên trái và thứ hai từ phải sang) phát biểu tại một tọa đàm về phát triển thương hiệu địa phương chính thống trong một thế giới hậu COVID-19. (Ảnh: Minh Tú)

“Các doanh nghiệp khởi nghiệp thời trang có thể tiếp cận khách hàng trực tuyến tiềm năng mà không cần đầu tư lớn, còn khách hàng Việt đã quen với việc đặt hầu hết mọi thứ trực tuyến và được giao đến tận nhà. Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể tận dụng lợi thế từ sự ra đời các công nghệ mới trong tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và các hình thức sản xuất kỹ thuật số liên quan khác”, Chủ nhiệm ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang Đại học RMIT, Tiến sĩ Nina Yiu cho biết.

Đại dịch là cơ hội để ngành công nghiệp thời trang xem xét lại mô hình kinh doanh và xác định phương cách để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Theo báo cáo State of Fashion 2021 của McKinsey, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán hàng thời trang trên kênh thương mại điện tử đã tăng gần gấp đôi, từ 16% lên 29% trên toàn cầu, tăng trưởng đáng kể trong 6 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, Báo cáo "Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá" cho thấy, lượng người dùng mới từ các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 41%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ngạc nhiên hơn, có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng thương mại điện tử này, kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch. Thời điểm đại dịch bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ngành thời trang không chỉ chuyển đổi kênh bán hàng mà còn ứng dụng nhiều công nghệ trong kỷ nguyên 4.0 để thích ứng với thời cuộc. Ứng dụng số trong quản trị cũng như kỹ thuật trong ngành thời trang như A.I, bigdata, in 3D… ngày càng phổ biến và hứa hẹn sẽ thay đổi tương lai của ngành công nghiệp này. 

Chẳng hạn, giảng viên ngành thiết kế ứng dụng sáng tạo tại Đại học RMIT, ông Patrick Ford đã đề xuất một quy trình đổi mới thông qua kỹ thuật in kỹ thuật số trực tiếp lên vải (DTG). “DTG không chỉ hấp dẫn về mặt kinh tế mà còn thể hiện động thái hướng đến cách tiếp cận bền vững hơn đối với sản xuất số lượng nhỏ”, ông Ford chia sẻ. 

Các doanh nghiệp khởi nghiệp thời trang trong nước hiện có thể sản xuất tại chỗ với số lượng nhỏ bằng cách in kỹ thuật số DTG trong quá trình phát triển sản phẩm mà không cần gia công in vải ở công ty khác. Đây không đơn thuần là một cỗ máy để tạo ra thành phẩm mà còn có thể đưa vào như một phần của quá trình phát triển thiết kế sản phẩm tổng thể, cho phép xem và đánh giá các thiết kế lặp lại khác nhau gần như ngay lập tức. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Rút ngắn quy trình đến 40%

Ngày càng nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam ứng dụng sâu công nghệ để tạo đột phá trong quản trị, thiết kế và sản xuất. Ivy Moda ứng dụng công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) đã giảm tải cho hệ thống nguồn lưu trữ cho công đoạn xử lý 400.000 SKU (mã hàng hóa) trên 80 kho lưu giữ. Doanh số bán hàng trực tuyến của công ty này năm 2020 đã tăng gấp đôi năm 2019.

Thương hiệu Elise cho ra mắt website mua sắm trực tuyến với số lượng sản phẩm tăng từ 9.000 lên 90.000. Tất cả các đơn đặt hàng sẽ được Elise chuẩn bị và gửi đi chỉ trong vòng một ngày, kèm theo đó là các tiện ích nâng cao như dịch vụ gói quà. Ông Greg Fleming - Giám đốc Điều hành Elise, hy vọng việc tập trung phát triển bán hàng đa kênh sẽ nâng tỉ lệ doanh thu bán hàng trực tuyến từ khoảng 1% lên 10% trong thời gian tới.

Trong khi đó, Giovanni sở hữu hơn 30 cửa hàng toàn quốc với hơn 60 dòng sản phẩm bao gồm sản phẩm và các phụ kiện ở các phân khúc từ trung, cao cấp, cho tới cận xa xỉ phục vụ đa dạng khách hàng trong và ngoài nước. Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch HĐQT Giovanni Group, cho biết Giovanni rất muốn làm một bước đột phá chính là xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp, xây dựng nền tảng số cho khâu thiết kế, quản trị nguyên phụ liệu… để tạo cơ hội bứt phá và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Nhiều thương hiệu thời trang đã sử dụng công nghệ A.I để hiểu hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó thiết kế trang phục phù hợp với thị hiếu người dùng. Nhiều nền tảng thời trang trực tuyến hàng đầu cũng sử dụng các mô hình A.I để dự đoán doanh số bán sản phẩm cụ thể ở một số vùng, sau đó tích trữ lượng hàng tồn dự đoán trong các kho lân cận. 

Hiện nay, bằng cách thu thập dữ liệu từ các trang web truyền thông xã hội, chia sẻ dữ liệu với những đối tác đáng tin cậy, các nhà bán lẻ có thể tổng hợp thông tin về khách hàng: độ tuổi, giới tính, sở thích… một cách chi tiết. Các thông tin này được tổng hợp và kết hợp với các công ty thời trang để thiết kế ra nhiều sản phẩm trong trào lưu “cá nhân hoá” thời trang đang thịnh hành trên thế giới.

Theo McKinsey, kỹ thuật số sẽ giúp đưa nhà thiết kế đến gần người tiêu dùng hơn do có thể thu thập những thông tin thú vị dựa trên dữ liệu về xu hướng và hành vi của người tiêu dùng. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số có thể rút ngắn quy trình đến 40%.

Tuy nhiên, trong nỗ lực chuyển đổi số, doanh nghiệp thời trang Việt Nam gặp nhiều khó khăn về vốn và công nghệ. Theo đại diện Ivy Moda, điểm yếu của Công ty là chưa tối ưu hóa được các công nghệ Automate Marketing vì dữ liệu đầu vào còn khá mới. Đồng thời, trong giai đoạn dịch bệnh, việc thiếu hụt nhân sự công nghệ cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thích ứng nhanh chóng của website với sự thay đổi đáng kể trong hành vi khách hàng. 

Theo Tiến sĩ Nina Yiu, đây là xu hướng không thể thay đổi và buộc doanh nghiệp phải thích ứng để tồn tại và phát triển. “Ngay cả doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể tận dụng lợi thế từ sự ra đời các công nghệ mới trong tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và các hình thức sản xuất kỹ thuật số liên quan khác”, ông nhận xét.

Minh Tú