Thợ mỏ vững vàng vượt khó

00:00 12/10/2020

Hiện nay, dịch bệnh Covid – 19 đã diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước và trên thế giới dan trong đà suy giảm. TKV cũng có nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Thợ mỏ luôn bình tĩnh, vững vàng vượt qua, bởi họ có một tinh thần vượt khó ngoạn mục. Tinh thần ấy được kết tinh từ truyền thống quý báu của mình “Kỷ luật và Đồng tâm”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn lại những cú vượt khó ngoạn mục

Nếu nhìn lại những cuộc khủng hoảng kinh tế tác động tiêu cực đến ngành Than như thế nào, mới có thể thấy Thợ mỏ có kỹ năng vượt khó ngoạn mục.

Thứ nhất là cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã gây tác động xấu đến nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực và có những tác động lớn đến thị trường than nước ta. Trong đó, ngành Than lúc bấy giờ còn ở trình độ sản xuất vốn đã thấp lại gặp khó nên càng không thể có cơ hội bứt phá. Đời sống của Thợ mỏ gặp vô vàn khó khăn. Thợ mỏ gượng từng ngày vượt qua, chia ngọt sẻ bùi, chia nhau từng công việc nhỏ của mỗi đơn vị để đảm bảo cho ai cũng có chút việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống, chờ cơ hội bứt phá. Giai đoạn này, sau khi ổn định lại tổ chức sản xuất, đặc biệt là dấu mốc cuộc tái cơ cấu đầu tiên thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam năm 1994 đã có bước đổi mới cơ chế quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ v.v. nên sản lượng than tăng vọt. Đến năm 1995, sản lượng than lần đầu tiên đạt khoảng 10 triệu tấn, tăng gần gấp 2 lần trước đây. Than Việt Nam đã tới được hơn 30 nước trên thế giới. Đời sống công nhân, cán bộ dần được cải thiện.

Thứ hai, những năm 1998-1999 thợ mỏ ngành Than lại đối mặt với những khó khăn thách thức do ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhu cầu sử dụng than trong nước và các bạn hàng nước ngoài giảm sút. Đến tháng 5/1999, ngành Than tồn kho gần 4 triệu tấn than các loại, tương đương 30-40% sản lượng sản xuất cả năm của toàn ngành. Tại vùng than Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, khắp các phố mỏ, bến xe, bến tàu, bãi biển, đâu cũng thấy công nhân đi làm thêm, người chạy xe ôm, người bán rau, đi biển.

Trước tình thế đó, ngành Than quyết định tạm thời cho giãn sản xuất một thời gian. Việc bố trí giãn sản xuất không những đã lập lại thế cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ trước mắt mà còn có tác động rất lớn về đổi mới tư duy kinh tế cho CNCB ngành Than trước cơ chế thị trường đầy biến động. Sau đó, ngành Than đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến năm 2005, sản lượng than thương phẩm đạt trên 30 triệu tấn, vượt 7 triệu tấn so với quy hoạch đề ra cho năm 2010, tăng gấp 2 lần so với chỉ tiêu than do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra cho năm 2005...

Về thiên tai, còn nhớ, năm 2015 mưa lũ lớn trong vài ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã làm các đơn vị TKV thiệt hại nặng nề. Toàn bộ các mỏ lộ thiên và trên 50% mỏ hầm lò bị chìm ngập trong nước, phải ngừng sản xuất. Thiệt hại ước tính trên 2000 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty CP than Mông Dương thiệt hại 500 tỷ đồng. Toàn bộ thiết bị dưới hầm lò cũng như mặt bằng sân công nghiệp bị mưa lũ san phẳng. Thợ mỏ gồng mình trong mưa lũ, huy động mọi lực lượng cứu mỏ. Và như một điều điều kỳ diệu, chỉ sau đó không lâu các mỏ lại ra than bình thường. Nhịp sống lao động vui tươi tràn ngập các khu mỏ, phố mỏ trên vùng mỏ.

Về thị trường lao động, giai đoạn này, hầu hết lao động tại các khu vực đồng bằng vốn là ngồn lực chính đối với ngành Than đã bị các khu công nghiệp thu hút hết. Hầu như không thể tuyển dụng được công nhân mới tại các vùng này. TKV và các đơn vị đã phải lội suối trèo đèo lên các vùng cao, dân tộc thiểu số tuyển dụng. Và kết quả cũng thất bất ngờ. Hiện nay, nhiều đơn vị có tới 10% thợ lò là người dân tộc thiểu số. Con số mà chỉ vài năm trước ko ai có thể nghĩ tới. Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gay gắt. TKV đã có nhiều sáng tạo trong công tác tuyển dụng, đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu.

Khó khăn trong thực tại

Bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị quý I/2020, sau thời gian nghỉ Tết nguyên đán an toàn cũng là lúc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như đời sống của công nhân nhiều ngành nghề. Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 ngày càng lan rộng trong nước và trên toàn thế giới. Đây là biến động khó lường nhất từ đầu năm đến nay và còn có thể kéo dài. Trong đó, đối với công nhân, cán bộ TKV cũng đã bị tác động trực tiếp. Về thị trường than, sản lượng cung ứng cho thị trường thế giới giảm sút và đẩy giá than tăng, gây khó khăn trong việc nhập khẩu than để pha trộn. Về thị trường khoáng sản, giá một số sản phẩm khoáng sản, alumin giảm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh từ Trung Quốc, một số dự án đầu tư về than và khoáng sản cũng bị ảnh hưởng do có nhà thầu Trung Quốc đang tham gia thực hiện một số gói thầu hiện chưa thể đưa người và thiết bị sang để tiếp tục thực hiện dự án. Một số loại vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất, đặc biệt các vật tư cho sản xuất than hầm lò cũng bị ảnh hưởng. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ, kinh tế trong nước và thế giới suy thoái, TKV có thể phải điều chỉnh một số lĩnh vực cho phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, tác động của Dịch bệnh Covid-19 dẫn tới khó khăn cho TKV nhưng lại mở ra cơ hội cho một số lĩnh vực của TKV phát triển chiếm lĩnh thị trường trong nước như cơ khí trong ngành, hóa chất - vật liệu nổ công nghiệp…

Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Đảng uỷ, HĐTV, Lãnh đạo điều hành Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo các biện pháp kịp thời, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện để vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa ổn định SXKD, giảm thiểu các tác động xấu đến sản xuất kinh doanh do dịch bệnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương có liên quan trong công tác phòng dịch và đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời hỗ trợ tham gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Tin rằng tợ mỏ sẽ sớm vượt qua khó khăn.

Thợ mỏ luôn bình tĩnh vượt qua tất cả mọi khó khăn và có những bứt phá ngoạn mục. CNCB ngành Than luôn đứng vững bằng đôi chân của mình, không nao núng trước bất cứ khó khăn nào...

 Hùng Hải