Thiếu việc làm hay thiếu lao động?

21:55 07/10/2021

Vấn đề người lao động đang cố gắng rời khỏi TPHCM và một số tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ là nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đang thấy và nghĩ.

Để tình trạng người lao động đồng loạt tìm cách về quê tạm lánh là do chính quyền chưa thực sự hiểu và quan tâm đến người lao động.

Khi phải về quê để tạm lánh thì cũng có nghĩa là họ đã cạn sức để trụ lại. Thu nhập không đủ trang trải chi phí cuộc sống và bị bức bí một thời gian dài do giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19 là hai lý do lớn nhất khiến người lao động đồng loạt muốn về quê. Nhưng nỗi lo lớn nhất là khi họ quay lại, việc làm có còn?

Từ thiếu người sang thiếu việc

Khi TPHCM và một số địa phương thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, quyết liệt thực hiện “3 tại chỗ”, “1 điểm đến 2 cung đường”, chỉ có một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện. Và rồi trong các doanh nghiệp này, một số cũng chịu không thấu khi giãn cách kéo dài, vì gánh nặng chi phí phát sinh để tuân thủ chính sách quá lớn.

Lúc này các đơn hàng vẫn còn, nhưng lại thiếu lao động. Nhưng khách hàng và đặc biệt là khách hàng quốc tế thì họ không thể đợi được. Một, hai tuần họ còn cố gắng nhưng nếu tính đến đơn vị bằng tháng thì họ phải chuyển sang kế hoạch B, nghĩa là chuyển đơn hàng đi qua nước khác, tuy chi phí lớn hơn nhưng thiệt hại cũng nhỏ hơn.

Mùa sản xuất này cũng là mùa cao điểm cho hàng hóa tiêu dùng cuối năm ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu cho nên các đơn hàng đã đặt không thể bị chậm trễ, các khách hàng thà chấp nhận tìm nhà máy mới hơn là phải đền bù hợp đồng.

Chính vì vậy mà trên nhiều trang tin quốc tế lớn, người ta nhắc đến việc một số nhãn hàng tìm đối tác sản xuất khác ngoài Việt Nam, thậm chí nghĩ đến phương án di dời nhà máy. Đến lúc này câu chuyện không còn là đơn hàng chờ, cần lao động mà dần dần đơn hàng càng giảm đi.

Nếu về quê và không tìm được việc, họ cũng sẽ quay lại thành phố và các khu công nghiệp khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Nhưng đến lúc đó, có còn các đơn hàng chờ họ? Hay họ có đáp ứng được những yêu cầu mới của bên tuyển dụng?

Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến thị trường lao động rất nhiều. Ngay cả ở những nền kinh tế có hỗ trợ tốt cho người lao động thì xu hướng thay đổi việc làm khiến cho cung cầu trên thị trường giai đoạn sau Covid-19 bị mất cân đối.

Lấy ví dụ như ngành dịch vụ ăn uống nhà hàng ở nhiều nước, sau khi mở cửa trở lại thì ngành này thiếu hụt lao động trầm trọng. Rất nhiều lao động thậm chí có thâm niên đã không muốn tiếp tục với nghề nghiệp và quyết định đi học để chuyển sang ngành khác. Điều này dẫn tới có ngành sẽ thiếu lao động, trong khi một số ngành khác thì số việc làm tạo mới không theo kịp nhu cầu tìm việc, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng vì chỗ cần không có, chỗ có không cần.

Bài học rút ra và kế hoạch cho tương lai

Để tình trạng người lao động đồng loạt tìm cách về quê tạm lánh là do chính quyền chưa thực sự hiểu và quan tâm đến người lao động. Sự cố gắng về kinh tế của họ là có giới hạn, khi không có đủ hỗ trợ thì phải ước tính được giới hạn chịu đựng của họ là bao nhiêu. Ví dụ như ước tính khoản tích cóp phòng thân của người lao động ở mức 2-3 tháng thì nếu không có việc làm trong bao lâu thì họ hết sức chịu đựng.

Với những lao động muốn về quê đợt này, bị giãn cách một thời gian dài với điều kiện sinh hoạt rất hạn chế thì sức ép về tâm lý là rất lớn. Chính vì vậy khi có quy định nới lỏng giãn cách thì dĩ nhiên họ sẽ tìm cách về quê ngay lập tức.

Nếu chính quyền hiểu được sức chịu đựng về kinh tế và tâm lý của những người lao động này, thì có lẽ sẽ có giải pháp phù hợp hơn. Chẳng hạn trước khi lệnh giãn cách kéo dài thêm, có thể cho người lao động có nguyện vọng về quê theo cách cuốn chiếu.

Và quan trọng hơn là các địa phương quản lý người lao động trở về không theo cách cực đoan chống dịch – nghĩa là không có ca nhiễm. Với dịch Covid-19 hiện nay, kiểm soát để không có ca nhiễm là điều không thể. Các chỉ số quan trọng để kiểm soát Covid-19 là các ca nặng và tử vong, mà phần lớn người lao động muốn về quê đều trong độ tuổi rất trẻ, sức khỏe tốt nên nhóm này không có nguy cơ trở nặng hay tử vong cao.

Điều lo lắng nhiều nhất lúc này là các đơn hàng đã chuyển sang nước khác, trong thời gian tới họ có chuyển hẳn nhà máy đi luôn hay không. Nếu điều này xảy ra thì sẽ mất nhiều công sức, thời gian cho việc kéo họ về trở lại.

Việt Nam cũng nên như một số nước có chương trình chuyển đổi việc làm, tạo điều kiện cho người lao động được đào tạo để chuyển sang một lĩnh vực mới. Hay thậm chí trong cùng lĩnh vực nhưng mức độ kỹ năng và kiến thức ở mức cao hơn. Lấy ví dụ cũng trong lĩnh vực gia công lắp ráp, nhưng thay vì trước đây làm với các sản phẩm giản đơn thì bây giờ làm với các sản phẩm có độ chính xác, phức tạp, và công nghệ cao hơn.

Người lao động muốn trở về quê lúc này chỉ là nhu cầu tức thời, vì sức chịu đựng của họ đã đến hạn, họ cần một nguồn năng lượng mới để hồi phục trở lại. Người viết tin rằng, nếu về quê và không tìm được việc, họ cũng sẽ quay lại thành phố và các khu công nghiệp khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Nhưng đến lúc đó, có còn các đơn hàng chờ họ? Hay họ có đáp ứng được những yêu cầu mới của bên tuyển dụng?

Với những người làm chính sách, thường thì phải nhìn trong khung thời gian dài hạn, nhưng để khắc phục những chính sách sai, cần phải có những quyết sách ngắn hạn và khẩn trương, và quan trọng trên hết, là chính sách phải nghĩ đến người lao động, đến người dân.

TS. Võ Đình Trí

(Theo thesaigontimes.vn)