Thiếu hụt lao động, ngành y tế ở nhiều địa phương phía Nam rơi vào cảnh “khó chồng khó”

10:50 30/09/2022

Áp lực công việc và thu nhập thấp nên nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác khiến ngành y tế các địa phương ở phía Nam đang rơi vào cảnh “khó chồng khó”.

Ảnh minh họa
Ngành y tế phía Nam gặp khó do thiếu hụt lao động.

Tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc gia tăng

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có khoảng 2.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc sang y tế tư nhân hoặc việc khác. Nhân sự nghỉ việc phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ công tác tại trạm y tế phường, xã.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tuy tổng số người làm việc trong ngành y tế giảm không nhiều so với năm 2021 nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng là nhân viên mới cần có thời gian để thực hành, tập sự.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 500 nhân viên y tế nghỉ việc. Ông Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết, bệnh viện cấp 1 tuyến tỉnh, nhưng con số nhân viên y tế nghỉ việc ở mức cao, nhiều bác sĩ, điều dưỡng có chức vụ, có kinh nghiệm lâu năm cũng nằm trong số những người nghỉ việc.

Tại Bình Dương, cũng từ năm 2021 đến nay, ngành y tế tỉnh đã có 328 viên chức y tế nghỉ việc. Ngành y tế Bình Dương đang thiếu khoảng 600 biên chế trong bối cảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (quy mô 1.500 giường) dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, An Giang có đến 145 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế xin thôi việc. Nơi có bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất tỉnh là Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang với 35 người.

Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, đã có 35 nhân viên y tế làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có 21 bác sĩ. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã có 38 nhân viên y tế xin nghỉ và đã nghỉ việc.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố Cần Thơ có 111 y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, rải đều ở các tuyến từ thành phố đến cơ sở. Phần lớn các bác sĩ có tay nghề cao chuyển sang y tế tư nhân, nơi có mức lương, chế độ đãi ngộ cao hơn khu vực công lập.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế là do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân, một phần là do thu nhập không tương xứng với sự cống hiến của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, chế độ tiền lương không đủ bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho viên chức y tế chưa hấp dẫn, chưa thật sự giữ chân được đội ngũ y tế.

Hiện có sự chênh lệch cao về tiền lương giữa y tế công lập và y tế tư nhân. Vì thế, viên chức y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện công đã xin thôi việc để tìm đến các cơ sở y tế tư nhân có chế độ tiền lương cao hơn.

Cần có cơ chế thu hút lực lượng lao động ngành y tế

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, ngành y tế thành phố thường xuyên động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân viên y tế, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể. Sở Y tế TPHCM cũng đang tìm các phương án nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Đồng thời, xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế làm việc tại các tuyến y tế cơ sở.

Ngành y tế TPHCM kỳ vọng thời gian tới Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sẽ có cơ chế để cải thiện thu nhập, cải thiện môi trường làm việc để giữ chân lực lượng điều dưỡng nói riêng và nhân viên y tế nói chung.

Ông Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, để đáp ứng nhu cầu, ngành đang tuyển dụng 850 chỉ tiêu biên chế với 270 vị trí. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng đang gặp khó do lương ngành y tế còn thấp, chưa tạo được sức hút.

Để ngăn làn sóng nghỉ việc và thu hút nhân lực, Sở Y tế Bình Dương đã xây dựng kế hoạch và đề xuất tăng mức phụ cấp cho y tế công lập với mức lương ban đầu cao gấp 3 lần mức lương cơ sở vùng 1. Đối với điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tại tuyến y tế cơ sở, mức lương tiếp nhận ban đầu cao gấp 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở vùng 1.

Bình Dương sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút bác sĩ từ nơi khác về địa phương gồm: 600 triệu đồng đối với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; hỗ trợ 500 triệu đồng đối với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I; bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên hỗ trợ 450 triệu đồng, tốt nghiệp loại khá 420 triệu đồng, tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá 400 triệu đồng. Những người thuộc diện này còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ thuê nhà ở, hỗ trợ hàng tháng từ 2 - 3,5 lần mức lương cơ sở và các hỗ trợ khác.

Tỉnh Vĩnh Long cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh. Ông Văn Công Minh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, ngành y tế đang xây dựng dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế giai đoạn 2022-2026.

Các ưu đãi đó là: Hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt để thu hút nhiều chuyên gia giỏi tại các bệnh viện tuyến trên về chuyển giao các kỹ thuật cao cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên y tế được cử đi đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ cho ngành y tế của địa phương, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền cho xây dựng nhà ở xã hội để bố trí cho nhân viên y tế.

P.V