Thiếu cơ chế quản lý, vay qua App biến tướng tín dụng đen

00:00 12/10/2020

Trong khi Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng thì dịch vụ cho vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến (vay qua App) đang bùng nổ và có dấu hiệu biến tướng thành tín dụng đen.

vay-tien-qua-app-1672-1599214644.jpg

Vay tiền qua ứng dụng App đang bùng nổ.

Theo cảnh báo của Công an TPHCM, phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay nặng lãi thông qua App được ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền mang tên “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”... Nhiều ứng dụng trong số này cho vay với lãi suất lên tới 2,5%/ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm. 

Biến tướng cho vay qua app

Vay qua app thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.

Việc vay và cho vay tiền qua App rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho App truy cập danh bạ cá nhân.

Tuy nhiên, có nhiều App cho vay biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại thời gian cũng như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech, trong đó có hoạt động cho vay qua App nhằm có thể nhanh chóng kiểm soát được hoạt động cho vay đang gây nhiều bất ổn cho xã hội. 

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận, việc có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, sẽ hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ Fintech chưa được cho phép chính thức là rất cần thiết.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cần rút ngắn thời gian thử nghiệm các giải pháp này theo dự kiến của NHNN từ 1-2 năm, thì nên giảm xuống 1 năm. Bởi việc kéo dài thời gian thử nghiệm càng lâu càng khiến các hình thức cho vay trá hình, cho vay nặng lãi qua App có thêm thời gian gây thiệt hại cho người dùng.

Không để nằm ngoài vòng pháp luật

Trong lúc chờ cơ quan quản lý hoàn thiện các bước thử nghiệm trước khi có thể tiến tới xây dựng và trình thông qua các quy định pháp lý về hoạt động Fintech cũng như hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) bao gồm việc cho vay qua App, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp kiểm soát hoạt động này để giảm rủi ro.

Theo đánh giá của TS Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), các quốc gia đều xem P2P Lending hay cho vay qua App là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần được cấp phép, việc chậm trễ trong việc ban hành quy định quản lý vì vậy dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng tài chính và gây bất ổn kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện thời chưa có quy định pháp luật quản lý chuyên ngành về hoạt động P2P lending, do vậy các cơ quan quản lý cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động P2P lending. 

Với thực tế này, TS Phạm Chí Quang đề xuất hướng xây dựng cơ chế thí điểm hoạt động P2P Lending và kiến nghị đưa hoạt động P2P Lending thành hoạt động kinh doanh có điều kiện.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, NHNN có thể xem xét bổ sung thêm quy định cho phép các công ty tham gia hoạt động cho vay ngang hàng được truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc NHNN. Khi được truy vấn thông tin khách hàng trên hệ thống này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ biết người vay có bị nợ xấu hay không.

Nhờ đó, quyền lợi an toàn vốn của nhà đầu tư sẽ được bảo đảm tốt hơn và đồng thời giúp người dân tiếp cận kênh tín dụng chính thức thay vì tiếp cận tín dụng đen.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thí điểm cho các mô hình dịch vụ mới này chứ không nên kéo dài, tránh để hoạt động này ở ngoài vòng pháp luật lâu. Khung pháp lý sẽ tạo cơ hội công bằng cho các công ty được tiếp cận lẫn tham gia cung ứng dịch vụ tài chính qua App.

Trong khi chờ cơ chế quản lý, để tránh rủi ro cho bản thân, ông Trần Đại Dương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Interloan - một startup trong lĩnh vực fintech lưu ý, người dân cần tỉnh táo để phân biệt app “làm ăn chân chính” hay App lừa đảo.

Theo đó, khi vay tiền người dân phải yêu cầu app cho vay công khai, minh bạch tổng số tiền cần phải nộp là bao nhiêu. Xem tổng chi phí có đúng như lãi suất mà họ công bố không là biết ngay cách làm ăn của những app cho vay này ra sao.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các App cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý như sau: 

Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Tại Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

Thanh Hoa