Thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên tự tin trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương

11:30 23/04/2021

Việc thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát được công nhận trở thành thành phố trực thuộc tỉnh sẽ là nền tảng, là bước đệm trong giai đoạn 2021-2030, 2 thành phố này đạt các tiêu chí và được công nhận đô thị loại II, góp phần quan trọng để tỉnh Bình Dương thực hiện nâng cấp đô thị theo đúng lộ trình Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, hoàn thành mục tiêu “Phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”.

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập TP Tân Uyên và TP Bến Cát như báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Sau khi thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, Bình Dương sẽ có 5 thành phố, bao gồm 3 thành phố hiện hữu là TP.Thủ Dầu Một (được công nhận năm 2012), TP.Dĩ An, TP.Thuận An (được công nhận năm 2020). 

Một góc của thị xã Bến Cát nhìn từ trên cao. Nguồn ảnh: Internet
Một góc của thị xã Bến Cát nhìn từ trên cao. Nguồn ảnh: Internet.

Thị xã Bến Cát kể từ khi chia tách huyện Bến Cát thành huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát theo Nghị quyết 136 của Chính phủ, thị xã Bến Cát đã có sự lột xác ngoạn mục của vùng đất này với những con đường rộng thênh thang, những khu công nghiệp sầm uất, những trường đại học quốc tế quy mô lớn hay những khu dân cư khang trang. Bên cạnh đó, lãnh đạo thị xã Bến Cát đã có rất nhiều nỗ lực trong việc lập và triển khai quy hoạch xây dựng đô thị, góp phần tạo nền tảng cho đô thị Bến Cát từ đô thị loại IV lên đô thị loại III, cũng như thị xã Bến Cát đã đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sự kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Bình Dương nói chung và thị xã Bến Cát nói riêng làm động lực cho phát triển kinh tế của thị xã. Cụ thể, thị xã Bến Cát đạt 53% đối với việc đầu tư các công trình giao thông, 69% đối với việc đầu tư các công trình quản lý nhà nước và quốc phòng - an ninh, 87,5% đối với việc đầu tư các công trình văn hóa - y tế - giáo dục, 93% đối với việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật - chỉnh trang đô thị.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Bến Cát, để đạt được kết quả như trên, thị xã đã phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sự đồng thuận, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng thuận của đại đa số người dân. Có thể nói, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông là yếu tố rất quan trọng, được thị xã Bến Cát quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau để kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển của thị xã và hướng đến đô thị hiện đại, văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đảng bộ thị xã Bến Cát lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tân Uyên đang là một trong những địa phương phát triển năng động và xây dựng được môi trường thu hút vốn đầu tư tốt nhất tại Bình Dương. Nguồn ảnh: Internet
Tân Uyên đang là một trong những địa phương phát triển năng động và xây dựng được môi trường thu hút vốn đầu tư tốt nhất tại Bình Dương. Nguồn ảnh: Internet.

Tân Uyên đang là một trong những địa phương phát triển năng động và xây dựng được môi trường thu hút vốn đầu tư tốt nhất tại Bình Dương. Thị xã Tân Uyên có diện tích tự nhiên trên 19.000ha với 12 xã, phường có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng, là đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng liên tỉnh. 

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet. 

Thị xã Tân Uyên được công nhận là đô thị loại III vào năm 2018. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị của thị xã Tân Uyên, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Từ khi được công nhận là đô thị loại III đến nay, Tân Uyên đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật với nhiều công trình công cộng như: Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị, các tuyến đường đối ngoại kết nối thị xã với các tuyến đường quốc gia, hệ thống cấp nước, thoát nước, công trình xử lý nước thải, rác thải, điện chiếu sáng, công viên dọc sông Đồng Nai... Từ đó tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội thị xã Tân Uyên nói riêng và cho cả tỉnh Bình Dương.

Hoàng Thu