Thị trường Trung Đông: Nhiều dư địa hợp tác

23:00 27/10/2021

Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông có mối quan hệ ngoại giao, chính trị tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hai bên tăng cường tìm hiểu, mở rộng thị trường và thúc đẩy giao thương, đầu tư.

Thị trường Trung Đông còn nhiều dư địa để hợp tác
Thị trường Trung Đông còn nhiều dư địa để hợp tác.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, hợp tác giữa hai bên trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đã được cụ thể hóa thành các hiệp định hợp tác và được triển khai xuyên suốt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025”, mối quan hệ giữa các bên được nâng lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu về lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đạt được những kết quả nổi bật đáng khích lệ.

Các lĩnh vực thu hút sự quan tâm, hợp tác giữa hai bên là kinh tế, khoa học - kỹ thuật, thương mại, vận chuyển hàng không, phát triển công nghiệp, dịch vụ chứng khoán, hợp tác lao động, dầu khí…

Tính đến hết tháng 8/2021, Việt Nam xuất khẩu 5,22 tỷ USD hàng hoá sang khu vực Trung Đông và nhập 5,49 tỷ USD hàng hóa từ khu vực này; lần lượt đóng góp 2,45% và 2,5% vào kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước.

Về hợp tác đầu tư, đến hết tháng 8/2021, có 173 dự án FDI của các DN Trung Đông còn hiệu lực tại Việt Nam với giá trị 1,38 tỷ USD, chiếm 0,34% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam; quy mô 8,02 triệu USD/dự án, tương đương quy mô trung bình của các dự án FDI tại Việt Nam (7,9 triệu USD/dự án).

Theo TS. Cấn Văn Lực, đầu tư vào Việt Nam, các cơ hội mở ra cho DN Trung Đông không nhỏ.

Trước hết, Việt Nam luôn chú trọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực; là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu người tiêu dùng, thu nhập của người dân tăng khá nhanh cùng tốc độ phát triển kinh tế khá cao (dự báo 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2030).

Thêm vào đó, Việt Nam vừa là điểm đến vừa là “cánh cửa” mở ra các thị trường khác khi ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA đa phương như EVFTA, CPTPP, UVFTA và sắp tới là RCEP, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam coi trọng việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI chất lượng cao; Chính phủ cũng luôn cam kết cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, làm ăn tại Trung Đông, DN Việt Nam có cơ hội hợp tác, tiếp xúc với các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao, cơ sở hạ tầng chất lượng, đồng bộ và hiện đại, mức sống cao.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, các quốc gia Trung Đông với lợi thế địa lý tiếp giáp với cả ba châu lục Á, Âu, Phi, là những nước giàu tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tương đối lớn, tiềm năng tài chính dồi dào.

Các nước trong khu vực hiện cũng đang có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm may mặc, da giày, nông sản, linh kiện điện tử, thiết bị phụ tùng,… là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Mặt khác, theo ông Hùng, thị trường Trung Đông không quá khó tính nên phần nào cũng là thuận lợi cho DN xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, DN hai bên cũng gặp không ít khó khăn khiến hiệu quả hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của DN hai bên.

Về vấn đề này, ông Lực cho rằng, các khó khăn đáng kể nhất của DN là: Thông tin về môi trường kinh doanh còn hạn chế, nhất là các thông tin về quy định pháp lý, về tiềm năng thị trường và cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó là sự khác biệt về văn hóa, tập quán tiêu dùng.

Ngoài ra, các DN Việt còn gặp khó về việc thanh toán do thị trường tài chính một số nước trong khu vực chưa quá phát triển.

Thêm vào đó, do chưa nắm rõ thông tin về thị trường Trung Đông, để tránh rủi ro, DN Việt Nam, thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế, khiến tăng giá hàng hóa, làm giảm tính cạnh tranh.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định, trước hết, đó là sự cạnh tranh gay gắt về hàng hóa giữa các quốc gia khác có lợi thế và được công nhận danh tiếng như: Gạo, ngũ cốc (Ấn Độ); chè, gia vị (Trung Quốc, Ấn Độ); nông sản (Thái Lan, Kuwait, Ấn Độ)…

Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất để sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa bắt kịp với xu thế mới của những nước khác.

Để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế, năng lượng và thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông trong thời gian tới, theo TS. Cấn Văn Lực, DN cần bám sát và trao đổi thường xuyên với các Cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ tại Trung Đông bởi đây chính là đơn vị “mở đường, đồng hành” chính thức và đại diện cho Việt Nam.

Song song đó, DN cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường; mạnh dạn, sáng tạo thay đổi phương thức quảng bá, xúc tiến đầu tư - thương mại hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Lực, việc tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến, các hội chợ, triển lãm tổ chức tại các nước trong khu vực là rất cần thiết.

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và ngoại ngữ tốt, hiểu biết văn hóa Trung Đông để bổ sung cho thị trường khu vực; tăng cường kết nối, chia sẻ, hợp tác giữa các DN Việt Nam khi tham gia giao thương và đầu tư tại Trung Đông; Thành lập hiệp hội DN, nhà đầu tư Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, các cơ quan quản lý cần tập trung vào những vấn đề như: Tăng cường trao đổi cấp cao để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế đi vào chiều sâu và bảo đảm tối đa lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam cũng như lợi ích của các doanh nghiệp khu vực Trung Đông;

Tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; tăng cường quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, các Phòng thương mại và công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp giữa các bên; thúc đẩy, xây dựng, hoàn thiện và ký kết các khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách; tích cực vận động các đối tác tiềm năng của khu vực hỗ trợ và hợp tác đầu tư công, hợp tác công tư, đầu tư khu vực tư nhân…

Đặc biệt, ông Hùng nhấn mạnh: “Nắm vững tiêu chuẩn yêu cầu từ bản chất đặc trưng văn hóa của các nước khu vực Trung Đông (nước Hồi giáo). Tiêu chuẩn Halal là chìa khóa cho các doanh nghiệp Việt Nam vào được thị trường Trung Đông”.

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới” được tổ chức hồi cuối tháng 8/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế, và thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành trung ương và địa phương hỗ trợ tích cực và đồng hành cùng các DN trong tăng cường hợp tác đầu tư hiệu quả và thực chất giữa Việt Nam và Trung Đông.

Các đơn vị sẽ tăng cường thông tin, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư để kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, và thúc đẩy ký kết một số hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các Quỹ đầu tư, các DN Trung Đông tham gia hợp tác đầu tư với đối tác Việt Nam".

Lâm Nghi (tổng hợp)