Thị trường ô tô làm ăn thế nào trong năm Covid-19?

12:41 15/02/2021

Sau những tháng hồi phục liên tiếp trong giai đoạn cuối năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam đã “đứt mạch” tăng trưởng ngay trong tháng mở đầu năm 2021.

Dịch bệnh năm ngoái khiến hàng loạt nhà máy lắp ráp, đại lý của các hãng xe tạm ngừng hoạt động. Tâm lý thắt lưng buộc bụng của người dân khiến việc sắm ôtô không còn là ưu tiên hàng đầu dù giá bán giảm liên tục.

Theo báo cáo bán hàng vừa được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong tháng đầu tiên của năm mới Tân Sửu 2021, doanh số bán ô tô của các thành viên VAMA chỉ đạt tổng cộng 26.432 xe, giảm 45% so với tháng 12.2020. Trong đó, lượng tiêu thụ ô tô du lịch, ô tô thương mại đều giảm khoảng 45%. Nếu cộng cả doanh số bán hàng của Hyundai (đạt 6.058 xe), trong tháng 1.2021, người Việt đã mua sắm hơn 32.000 ô tô các loại. Trong khi VinFast chưa công bố doanh số bán hàng.

Như vậy, sau những tháng hồi phục liên tiếp trong giai đoạn cuối năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam đã “đứt mạch” tăng trưởng ngay trong tháng mở đầu năm 2021. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, diễn biến thị trường ô tô trong tháng 12.2020 và tháng 1.2021 đã có nhiều thay đổi, đặc biệt về chính sách ưu đãi đối với ô tô lắp ráp trong nước.
Một showroom của Toyota
Một showroom của Toyota.

 

Theo VnExpress, tác động tiêu cực của dịch bệnh thể hiện rõ trên báo cáo tài chính của Công ty cổ phần City Auto – đại lý uỷ quyền chính thức của Ford Việt Nam và Huyndai TC Motor. Doanh thu cả năm giảm 11%, đạt 5.675 tỷ đồng. Công ty lỗ thuần hơn 4 tỷ đồng sau khi trừ giá vốn và các khoản chi phí bán hàng, lãi ngân hàng, lương thưởng cho nhân viên.

Thu nhập từ thanh lý tài sản và các khoản hỗ trợ chi phí tổ chức sự kiện, bán hàng từ nhà cung cấp giảm 5 lần so với năm trước nhưng là cứu cánh giúp công ty thoát lỗ ròng. Công ty báo lãi sau thuế chưa đến 2 tỷ đồng, giảm gần 96% so với năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, ban lãnh đạo City Auto giải trình ngắn gọn nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh tăng trưởng âm là sản lượng xe bán giảm. Lợi nhuận thực hiện cũng cách xa kế hoạch 66 tỷ đồng công ty đề ra hồi đầu năm.

Ngoài dịch bệnh, ngay từ đầu năm City Auto đã dự báo sức ép cạnh tranh đối với thương hiệu Ford ngày càng lớn bởi thị trường ôtô có quy mô hạn chế trong khi đơn vị lắp ráp và nhập khẩu rất nhiều. Các nhà sản xuất và phân phối vì thế phải có chính sách giảm giá liên tục, khiến tỷ suất lợi nhuận không ngừng đi xuống.

Đồng quan điểm, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) – nhà phân phối nhiều hãng ôtô như Toyota, Volvo, Honda, Mitsubishi – cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt về giá là một trong những nguyên nhân khiến các chỉ tiêu tài chính thụt lùi.

Sau chín tháng đầu năm sụt giảm, tình hình của Savico khả quan dần nhờ dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ ngành ôtô. Công ty thu xấp xỉ 6.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 133 tỷ đồng trong quý cuối năm, tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng kết cả năm thì doanh thu vẫn giảm 12% xuống 16.130 tỷ đồng và lợi nhuận 224 tỷ đồng.

Số liệu thống kê toàn ngành đi xuống nhưng một số nhà phân phối vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến.

Điển hình như Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco), nhà phân phối Mercedes-Bens chính hãng đầu tiên tại Việt Nam, ghi nhận lợi nhuận sau thuế ba tháng cuối năm gấp khoảng 9 lần so với cùng kỳ, xấp xỉ 63 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm công ty thu gần 5.570 tỷ đồng và lãi sau thuế 125 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 150% so với năm trước.

Lyly