Thị trường ngày 6/7: Giá vàng giảm mạnh, thép đi xuống, cao su có tuần giảm sâu nhất 15 tháng

00:00 12/10/2020

Lo ngại kinh tế thế giới giảm tốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến cho giá dầu giảm trong tuần qua dù tăng khá mạnh ở phiên cuối tuần.

Dầu giảm trong tuần

Dầu vừa kết thúc một phiên tăng giá do căng thẳng về vấn đề Iran và OPEC+ kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, các số liệu về kinh tế hạn chế đà tăng.

Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 93 UScent (1,47%) lên 64,23 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 17 UScent lên 57,51 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, cả 2 loại dầu đều giảm giá do kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng chậm lại, gây nguy cơ suy giảm nhu cầu dầu. Brent đã giảm 3,3% trong cả tuần, còn WTI mất khoảng 1,8%.

Iran dọa sẽ bắt giữ một tàu chở dầu của Anh sau khi Hải quân Hoàng gia Anh ngày 4/7 bắt giữ một tàu lớn chở dầu của Iran ngoài khơi Gibraltar vì cho là tàu này đang tìm cách chở dầu tới Syria - một động thái vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Vụ bắt tàu vấp phải phản ứng mạnh của Iran và đe dọa đẩy cao căng thẳng giữa Tehran với phương Tây. Tuần này, Iran tuyên bố đã tích trữ lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp với khối lượng vượt ngưỡng cho phép. Tehran cũng nói sẽ nâng cấp độ làm giàu uranium từ cuối tuần này, với khối lượng tùy thích. Căng thẳng ở Trung Đông thường có tác động mạnh lên giá dầu Brent, loại dầu chịu tác động từ rủi ro địa chính trị nhiều hơn là WTI.

Khảo sát của Reuters cũng cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 6/2019 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm do nguồn cung của Saudi Arabia tăng không đủ bù đắp sự sụt giảm của Iran và Venezuela do lệnh trừng phạt của Mỹ đúng lúc mà một số nước trong khối đôi lúc cũng tạm dừng khai thác.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu kéo theo giảm nhu cầu dầu mỏ. Đơn đặt hàng công nghiệp của Đức tháng 5/2019 giảm nhiều hơn dự kiến, và Bộ Kinh tế Đức cho biết nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này có thể sẽ vẫn tăng trưởng chậm trong vài tháng tới. Đơn đặt hàng của các nhà máy Mỹ tháng 5/2019 cũng giảm tháng thứ 2 liên tiếp, gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuần tới, Mỹ - Trung nước sẽ đàm phán, hy vọng sẽ có một số tiến triển tốt.

Gừng tăng giá 80%

Giá gừng trên thị trường Trung Quốc đã tăng 80% trong vòng một năm qua do thời tiết bất lợi, nhất là lũ lụt hồi năm ngoái, khiến cho lượng dự trữ gừng thu hoạch trong vụ 2018 hiện còn rất ít, mặc dù nhu cầu trên thị trường quốc tế không thay đổi nhiều so với những năm trước. Hiện giá gừng FOB Sơn Đông (để chuyển đến cảng Rotterdam) khoảng 1.700 USD/tấn. Khối lượng gừng xuất khẩu từ Trung Quốc năm nay tương đương mọi năm.

Ở Sơn Đông, khu vực sản xuất gừng chính của Trung Quốc, diện tích trồng gừng năm 2019 vẫn như năm 2018. Gừng bán trên thị trường lúc này là loại thu hoạch từ 2018. Do thời tiết xấu, sản lượng gừng năm 2018 giảm 30% so với năm 2017. Lũ lụt không chỉ làm thối rễ gừng mà còn khiến cho hàm lượng nước trong củ gừng tăng cao nên không tích trữ được lâu.

Dự kiến giá gừng Trung Quốc sẽ tăng mạnh hơn nữa vào đầu tháng 9 tới.

Quặng sắt tăng tuần thứ 4

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm trong phiên cuối tuần (5/7/2019) do các nhà đầu tư thận trọng bởi giá quặng tăng kỷ lục gần đây đã khiến các nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc dấy lên nghi ngờ về nguyên nhân và dự định sẽ tiến hành điều tra.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua có lúc giảm 7,4% xuống 816 CNY (118,72 USD)/tấn, lúc đóng cửa giảm 5,9% so với đóng cửa phiên liền trước, xuống 829,5 CNY/tấn. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng 1,4%.

Sau 2 phiên giảm liên tiếp, giá quặng tại Đại Liên đã rời xa mức 911,5 CNY/tấn đạt được hôm 3/7/2019 (cao nhất kể từ khi lập sàn năm 2013). So với cuối năm 2018, khi giá chỉ 438,5 CNY, mức giá này đã tăng gấp đôi.

Quặng nhập khẩu giao ngay (hợp đồng tham chiếu, hàm lượng 62%) đã tăng 66% trong năm nay, đạt 126,5 USD/tấn vào ngày 3/7/2019, cao nhất kể từ đầu năm 2014.

Thị trường ngày 6/7: Giá vàng giảm mạnh, thép đi xuống, cao su có tuần giảm sâu nhất 15 tháng - Ảnh 1.
 

Vàng giảm 2% trong một phiên, cả tuần giảm lần đầu trong 7 tuần

Giá vàng giảm nhiều trong phiên 5/7/2019 và kết thúc tuần giảm đầu tiên trong vòng 7 tuần sau số liệu về việc làm ở Mỹ khiến giới đầu tư nghi ngờ Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này.

Vàng giao ngay cuối phiên giảm 1,2% xuống 1.398,71 USD/ounce, trong ngày có lúc chỉ 1.386,52 USD. Tính chung cả tuần vàng giao ngay giảm khoảng 1%, nhiều nhất kể từ giữa tháng 4/2019. Vàng giao tháng 8/2019 giảm 1,5% xuống 1.400,1 USD/ounce.

Số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ tháng vừa qua tăng 224.000 việc, nhiều nhất trong vòng 5 tháng và cao hơn mức dự đoán là tăng 160.000.

Tuy nhiên, triển vọng giá vàng vẫn tích cực, bởi kinh tế tăng trưởng chậm lại thường khiến nhà đầu tư tăng mua vàng. Bên cạnh đó, tại Ấn Độ, nước tiêu dùng vàng lớn thứ 2 thế giới, giá vàng cũng tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Chính phủ tăng thuế nhập khẩu vàng (vào ngày 5/7/2019).

Khí gas giảm

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay trên thị trường Châu Á giảm trong tuần này sau 3 tuần tăng. Nguyên nhân do có nguồn cung mới trong khi nhu cầu tiếp tục thấp.

LNG giao tháng 8/2019 ở Đông Bắc Á giá khoảng 4,3 USD/mmBtu, giảm 50 UScent so với tuần trước.

Nhu cầu từ các khách hàng chủ chốt ở Châu Á được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, do thời tiết mùa Đông sắp tới dự báo sẽ không quá lạnh. Các thương gia dự báo giá trong mùa Đông tới cũng chỉ khoảng 6,5 – 7,5 USD/mmBtu (thấp hơn mức dự báo trước đây là trên 8 USD/mmBtu).

Thép giảm phiên thứ 4

Giá thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 1,2% xuống 3.984 CNY/tấn trong phiên vừa qua, rời xa mức cao nhất 8 năm là 4.148 CNY/tấn chạm tới trong ngày 1/7/2019 giữa bối cảnh một số trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc nới lỏng những hạn chế về sản lượng.

Thép cuộn cán nóng cũng giảm 1% xuống 3.858 CNY/tấn. Mặt hàng này ngày 1/7/2019 cũng lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử là 4.049 CNY/tấn.

Các nhà máy thép hàng đầu Trung Quốc ngày 27/6/2019 đã họp để thảo luận về chiến lược đối phó với tình trạng giá quặng sắt nhập khẩu tăng mạnh. Tám công ty thép lớn nhất Trung Quốc, trong đó có các tập đoàn China Baowu Group, HBIS Group, Jiangsu Shagang Group JSSGG.UL và Ansteel Group, đã lập ra một nhóm điều tra xem có "các yếu tố phi thị trường" hay không khiến giá quặng sắt tăng cao kỷ lục gần đây. Có thể nguyên nhân chính do hoạt động đầu cơ trục lợi, giữa bối cảnh nguồn cung không thực sự khan hiếm mà triển vọng nhu cầu vẫn chưa rõ ràng.

Dưa hấu giảm do 3 nguyên nhân

Giá dưa hấu trên thị trường Trung Quốc giảm nhanh trong thời gian gần đây trong bối cảnh tiêu thụ chậm. Nguyên nhân trước hết bởi vào tháng 6, ở miền Nam Trugn Quốc mưa nhiều nên chất lượng dưa trong nước giảm thấp, đồng thời nhiệt độ trong mùa Hè này không cao nên người tiêu dùng không tiêu thụ mạnh mặt hàng dưa hấu.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hiện cao hơn so với các năm trước, mà các thương nhân lại không muốn đẩy phần chi phí tăng (do nhân công, nhiên liệu và tổn thất trong quá trình vận chuyển) lên vai người tiêu dùng, mà thay vào đó là hạ giá thu mua dưa của nông dân.

Còn một nguyên nhân thứ 3 nữa là giá ngũ cốc mấy năm gần đây giảm nên những nông dân Trung Quốc trước kia trồng ngũ cốc nay chuyển sang trồng dưa hấu, khiến diện tích cây trồng này tăng đáng kể, gây thừa cung.

Khoai tây giảm 30%

Thị trường Trung Quốc đã bán khoai tây mới, tuy nhiên giá không cao, chỉ dưới 2 CNY/kg (bán lẻ). Nguồn cung khoai tây vụ mới gần đây tăng nhanh, khiến giá giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận của nông dân từ trồng khoai tây giảm một nửa.

Nguyên nhân do giá khoai tây năm ngoái cao nên nông dân tăng diện tích trồng, dẫn đến cung tăng nhiều.

Khoai tây vụ mới hiện chỉ có một phần được bán trên thị trường, phần còn lại tích trữ trong kho lạnh. Do khoai tây dễ bảo quản nên sẽ được giữ tới mùa Xuân tới mới bán ra. Vào mùa Đông, các yếu tố cung – cầu thay đổi (nhu cầu khoai tây thường tăng lên, trong khi nguồn cung khan hiếm dần) nên giá thường tăng.

Cà phê giảm từ mức cao nhất 7 tháng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2019 đã giảm 2,55 UScent tương đương 2,2% vào lúc đóng cửa phiên cuối tuần này, chốt ở 1,111 USD/lb, dù trước đó cùng ngày có lúc lên 1,1565 USD, cao nhất kể từ 20/11/2018. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vẫn tăng 1,5%, là tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Robusta cũng giảm 30 USD trong phiên cuối tuần (2%) xuống 1.444 USD/tấn, sau khi có lúc trong cùng phiên lên mức cao kỷ lục 1 tháng là 1.493 USD/tấn; để tính chung cả tuần giảm 0,5%.

Cao su trải qua tuần giảm nhiều nhất trong 15 tháng

Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) trong phiên vừa qua giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng do lo ngại dư thừa nguồn cung trong khi nhu cầu ở Trung Quốc yếu đi. Hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 1,1 JPY, tương đương 0,6%, xuống 181,1 JPY (1,68 USD)/kg; đầu phiên có lúc xuống 180,3 JPY, thấp nhất kể từ 29/3/2019.

Tính chung cả tuần, hợp đồng này mất 6,2%, nhiều nhất kể từ tháng 3/2018 và là tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Hàng loạt các yếu tố đang gây áp lực lên thị trường cao su tuần này, như: giá cao su physical tại Thái Lan giảm do nguồn cung tăng, lo ngại về nhu cầu sụt giảm ở Trung Quốc và các nhà đầu cơ bán cắt lỗ.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 6/7 (giờ VN)

Thị trường ngày 6/7: Giá vàng giảm mạnh, thép đi xuống, cao su có tuần giảm sâu nhất 15 tháng - Ảnh 2.
 

Minh Quân