Thị trường ngày 15/8: Dầu rớt giá 3%, thép tiếp tục tăng cao, vàng dao động quanh mức 1.500 USD/ounc

00:00 12/10/2020

Các số liệu kinh tế suy yếu tại châu Âu và Trung Quốc, đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược lần đầu tiên kể từ năm 2007 khiến thị trường chứng khoán “bốc hơi” mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay, là các yếu tố tác động mạnh tới thị trường hàng hóa thế giới ngày 14/8.

Chốt phiên giao dịch đêm qua, dầu quay đầu giảm mạnh 3%; đồng rơi xuống mức thấp nhất 2 năm; ngô, đậu tương, đường, cà phê đều rớt giá trong khi vàng đảo chiều bật tăng; thép, cao su leo cao; dầu cọ lên mức cao nhất 4,5 tháng.

Dầu giảm hơn 3% do dấu hiệu kinh tế suy yếu ở Trung Quốc và châu Âu

Giá dầu giảm 3% do các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc và châu Âu suy thoái, gây lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng bất ngờ trong 2 tuần liên tiếp.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 3%, tương đương 1,82 USD, còn 59,48 USD/thùng. Trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 1,87 USD tương đương 3,3% còn 55,23 USD/thùng, sau khi tăng 4% trong phiên liền trước, lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng.

Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang giảm tốc mạnh. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 đã xuống mức thấp nhất hơn 17 năm do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung gia tăng.

GDP của khu vực đồng euro hầu như không tăng trong quý 2/2019. Suy thoái kinh tế toàn cầu, được khuếch đại bởi xung đột thuế quan và sự không chắc chắn đối với Brexit, đang tấn công các nền kinh tế châu Âu. Xuất khẩu sụt giảm đã khiến nền kinh tế của Đức đảo chiều đi xuống trong quý 2.

Tồn kho dầu thô của Mỹ đã bất ngờ tăng 1,6 triệu thùng đạt 440,5 triệu thùng trong tuần trước, so với dự báo giảm 2,8 triệu thùng của các nhà phân tích, và tăng hơn 3% so với mức trung bình 5 năm trong thời gian này của năm, EIA cho biết trong báo cáo hàng tuần.

Vàng, bạc đảo chiều tăng hơn 1%

Vàng đảo chiều tăng hơn 1% do đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ lần đầu tiên đảo ngược kể từ năm 2007 và kinh tế khu vực đồng euro yếu đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, đẩy các nhà đầu tư mua vàng tích trữ và thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh.

Giá vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,1% lên 1.517,88 USD/ounce, sau khi giảm 2% trong phiên liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 0,9% đạt 1.527,80 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng 1,7% lên 17,25 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2018.

Thép tiếp tục tăng cao

Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc tiếp tục tăng cao do một số lượng lớn các nhà sản xuất thép đã quyết định giảm sản lượng với nỗ lực hỗ trợ xu hướng giá yếu trong những tuần gần đây do nhu cầu yếu và tồn kho cao. Giá thép thanh cốt thép trên Sàn Thượng Hải giao tháng 10, đã tăng 1,8% lên 3.740 CNY(535,30 USD)/tấn, mức cao nhất trong gần một tuần. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 3.732 CNY/tấn, ngày tăng thứ 3 liên tiếp.

Sản lượng thép thô trong tháng 7 của Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp khi các nhà máy thép cắt giảm sản lượng trong bối cảnh các biện pháp môi trường tăng cao và giá nguyên liệu cao kỷ lục.

Đồng chạm gần mức thấp nhất 2 năm

Giá đồng giảm mạnh sau khi tăng trưởng sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất, giảm xuống mức thấp hơn 17 năm, làm suy yếu triển vọng nhu cầu. Giá đồng kỳ hạn 3 tháng tại Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) giảm 1,1% còn 5.765 USD/tấn, chạm gần mức thấp nhất 2 năm là 5.640 USD đạt được hồi đầu tháng.

Ngô, đậu tương giảm

Giá ngô và đậu tương kỳ hạn tại Mỹ đều sụt giảm do lo ngại kinh tế suy yếu toàn cầu gây giảm nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, giá ngô tại Chicago giảm 6-1/4 UScent xuống còn 3,70-1/4 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 16/5.Giá đậu tương giao tháng 11 đã giảm 11 cent/bushel còn 8,78 USD/bushel.

Giá đường, cà phê giảm do cung lớn, đồng real yếu

Giá đường và cà phê giảm do lo ngại về nguồn cung dư thừa và đồng Real Brazil suy yếu. Giá đường thô giao tháng 10/2019 giảm 0,11 cent, tương đương 0,9%, xuống còn 11,61 Uscent/lb. Giá đường trắng giao tháng 10/2019 đã giảm 2,50 USD, tương đương 0,8%, xuống còn 314,70 USD/tấn.

Đồng nội tệ Brazil giảm mạnh so với đồng bạc xanh do chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Argentina, đã khuyến khích các nhà sản xuất bán cà phê tính theo USD.

Giá cà phê arabica giao tháng 12/2019 giảm 1,8 cent, tương đương 1,8%, xuống còn 0,979 USD/lb. Trong khi giá cà phê Robusta giao tháng 11 tăng 6 USD, tương đương 0,5%, đạt 1.338 USD/tấn.

Dầu cọ cao nhất 4,5 tháng

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất trong 4,5 tháng do kỳ vọng xuất khẩu mạnh hơn. Giá dầu cọ giao tháng 10 trên Sàn Bursa Malaysia đã tăng 0,3% đạt 2.219 ringgit (529,97 USD)/tấn, ngày tăng thứ 7 liên tiếp.

Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đang tăng cường chương trình diesel sinh học trong nước để tăng mức tiêu thụ, giảm dự trữ và đẩy giá lên cao.

Giá cao su tăng cao

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã tăng lên do các nhà đầu tư tăng cường mua vào sau khi Mỹ cho biết sẽ trì hoãn đánh thuế quan đối với một số sản phẩm của Trung Quốc, làm giảm nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc. Tại Tokyo, giá cao su giao tháng 1/2020 tăng 2 JPY, tương đương 1,2%, đạt 168,6 JPY(1,58 USD)/kg. Giá cao su TSR 20 giao tháng 2/2020 tăng 2,2% đạt 146,0 JPY/ kg.

Tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 9 đã tăng 100 CNY đạt 11.525 CNY(1.643 USD)/tấn. Giá cao su TSR20 đã tăng 140 CNY đạt 9.995 CNY/tấn. Tại Singapore, giá cao su giao tháng 9 tăng 1,3% đạt 131,0 Uscent/kg.

Thời tiết nóng dẫn đến tăng giá dưa chuột tại Trung Quốc

Mặc dù mùa thu đã bắt đầu từ tháng 8 nhưng nhiều khu vực ở Trung Quốc vẫn trải qua thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới giá rau củ. Gần đây, giá dưa chuột ở nhiều thị trường đã tăng cao, có một số nơi tăng gấp đôi.

Dưa chuột được bán ở chợ bán buôn nông sản Xinfadi chủ yếu đến từ Liêu Ninh. Theo Xie Lei, một nhà phân tích thị trường, giá dưa chuột tăng 30% chỉ sau hơn một tuần, nguyên nhân chính là do mưa lớn ở các khu vực sản xuất. Mưa đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiếp thị sản phẩm này và khối lượng có sẵn tại Chợ cũng đã giảm khoảng 20%. Dự kiến ​​giá sẽ giảm sau khi thời tiết tốt hơn.

Dự kiến giá dưa chuột sẽ không thể giảm trong những ngày tới và sẽ trở lại mức bình thường khi kết thúc mùa cao điểm hè.

Giá tỏi Trung Quốc nhảy vọt lên 16 CNY/kg

Giá tỏi đã tăng vọt kể từ tháng 6/2019. Giá tỏi bán lẻ hiện đạt 16 CNY/kg, so với mức chỉ 6-8 CNY/ kg cùng kỳ năm ngoái. Giá tỏi cao hơn trong năm nay một phần là do thời tiết bất lợi thường xuyên trong mùa xuân dẫn đến sản lượng thấp hơn. Hơn nữa, doanh số bán tỏi và gừng vẫn chậm chạp trong một thời gian dài, làm giảm nhiệt tình trồng tỏi và thu nhỏ diện tích trồng trọt và sản xuất giảm nhẹ hơn trong năm nay.

Do thông tin bất lợi tại các thị trường tỏi ở Trung Quốc, một nhóm các nhà đầu cơ tỏi lợi dụng sản xuất thấp hơn để thao túng thị trường. Chi phí lưu trữ hàng hóa và nhân công tăng mạnh dẫn giá bán tỏi bán đến tay người tiêu dùng tăng cao.

Giá tỏi dự kiến ​​sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong tuần tới.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng ngày 15/8

Thị trường ngày 15/8: Dầu rớt giá 3%, thép tiếp tục tăng cao, vàng dao động quanh mức 1.500 USD/ounce - Ảnh 1.
 

Minh Quân