Thị trường chứng khoán 'thờ ơ' với chính sách giảm lãi suất

00:00 12/10/2020

Việc các ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước lâu nay vẫn được nhiều người cho rằng sẽ là tin vui của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau nhiều lần giảm lãi suất dường như thông tin này đã không còn nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Bắt đầu từ ngày 1/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đây là lần thứ tư trong vòng một năm qua, NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành.

Không còn tác động ngắn hạn

Đánh giá về động thái giảm lãi suất của NHNN, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng hành động này đang thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ trong việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất điều hành sẽ không quá lớn, do chính sách tiền tệ Việt Nam quản lý cung tiền chủ yếu qua tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán.

thi-truong-chung-khoan-tho-o-v-9649-2159

Nếu các nhà đầu tư "chê" lãi suất tiết kiệm muốn chuyển sang chứng khoán thì họ đã thực hiện rồi không cần chờ đến khi NHNN ra quyết định giảm lãi suất.

Cùng quan điểm với VNDirect, báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, đây là lần thứ 3 NHNN có quyết định giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều ở mức khá lớn (0,5 điểm phần trăm).

Tuy nhiên, động thái này chủ yếu phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất điều hành là một trong số các biện pháp của NHNN nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng (lãi suất liên ngân hàng tiếp tục ở mức thấp kỷ lục (0,14%/năm tại thời điểm ngày 29/9) và nhu cầu tín dụng ở mức thấp, đợt cắt giảm lãi suất này đã không còn tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất.

Những nhận định này của các công ty chứng khoán là hoàn toàn phù hợp với thực tế bởi từ giữa tháng 8 nhiều ngân hàng đã duy trì biểu lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức nhỏ hơn 4%/năm. Vì vậy, khi quy định mới nhất vừa ban hành đưa trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,25%/năm xuống 4%/năm chỉ là hợp thức thực tế.

Từ những vấn đề này có thể thấy, ảnh hưởng trên thực tế trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán sẽ bị giảm thiểu. Do đó, nếu nhà đầu tư “chê” lãi suất tiết kiệm muốn chuyển sang kênh chứng khoán để tìm kiếm mức lợi nhuận hấp dẫn hơn thì họ đã thực hiện rồi, không cần chờ đến khi NHNN ban hành chính thức quyết định giảm lãi suất.

Bằng chứng là số lượng tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán không ngừng tăng trưởng trong các tháng qua, chỉ tính riêng trong tháng 7 và tháng 8 đã ghi nhận 55.300 tài khoản mở mới.

Dài hạn cũng khó ngấm

Nhìn chung, theo nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán việc hạ lãi suất điều hành chỉ mang lại hiệu ứng về tâm lý, chưa đủ để tạo xu thế tăng bền vững cho cả thị trường do chính sách tiền tệ Việt Nam quản lý cung tiền chủ yếu qua tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán.

Tất nhiên, việc hạ lãi suất điều hành làm giảm lãi suất huy động sẽ tác động đến các khách hàng kinh doanh, họ sẽ rút tiền gửi ngân hàng ra đầu tư, kinh doanh ngắn hạn.Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán hiện có mức định giá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Thế nhưng, dòng tiền sẽ không thể ngay lập tức xoay vòng, mà cần có thời gian chuyển dịch qua lại giữa các kênh đầu tư, theo hướng chảy vào kênh có khả năng sinh lợi nhất. Bởi lẽ sự khác biệt lớn nhất hiện nay hạn chế tác động tốt của việc giảm lãi suất tới thị trường chứng khoán là chưa thể giải quyết được vấn đề tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp khoẻ mạnh đủ điều kiện thì không cần vay vốn do khó mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần vay thì thường là đang gặp khó khăn bởi đại dịch và không dễ để được xét duyệt thủ tục vay.

Đặc biệt, ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay đối với một số khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, chứ không giảm đồng đều cho mọi khách hàng.

Doanh nghiệp không mặn mà vay vốn khiến tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/9 chỉ đạt 5,12%, quá thấp so với mức tăng 10,3% trong 9 tháng 2018 và 9,4% trong 9 tháng 2019. Dự báo của các chuyên gia cũng cho rằng, lãi suất cho vay dự kiến khó giảm thêm đối với các khoản cho vay trung dài hạn vì lãi suất điều hành chỉ có tác động tới nguồn vốn ngắn hạn.

Do vậy, tình hình chỉ được cải thiện khi các điều kiện vay vốn đối với các doanh nghiệp được nới lỏng, sau đó phát huy tốt hiệu quả của nguồn tiền thì thị trường chứng khoán mới có thể hấp thụ được mặt tích cực của chính sách giảm lãi suất.

Minh Khuê