Thị trường bảo hiểm Việt Nam kỳ vọng những bứt phá mới trong năm 2022

11:45 01/02/2022

Trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã, đang diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh, nhờ đó, thị trường bảo hiểm năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Với những kết quả đạt được trong năm 2021, thị trường bảo hiểm kỳ vọng sẽ tạo được những bứt phá mới.

Trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có giãn cách xã hội trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Mặc dù vậy, với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Thị trường bảo hiểm năm 2021 theo đó vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (KDBH) (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 24 DNMGBH) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Dự kiến kết quả kinh doanh của các DNBH cả năm 2021 như sau: Tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2021 ước đạt 214,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020; tổng tài sản đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 23,86%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 577,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,24%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,68% so năm 2020. 

Ảnh minh họa
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ngày 13/9/2021.

Những kết quả tích cực của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2021 đạt được là nhờ những yếu tố sau:

Thứ nhất, với việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tiêu dùng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như có các chính sách dồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19. Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như: Ban hành chính sách về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm; Quy định cụ thể về tạm ứng bồi thường nhằm hỗ trợ khắc phục nhanh chóng hậu quả tai nạn cho các nạn nhân thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; nâng mức trách nhiệm bảo hiểm; nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo...; Ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2021); Giảm mức trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong năm 2021 từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm; Cho phép các doanh nghiệp tổ chức thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo hình thức online... Bộ Tài chính cũng thông tin thường xuyên, kịp thời đến các doanh nghiệp về định hướng nghiên cứu, xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn.

Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm đã rất chủ động trong tình hình mới, với việc rà soát, cắt giảm chi phí, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến, tăng cường giao dịch online với khách hàng, triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội... Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện đào tạo đại lý, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ nhân viên kinh doanh và khách hàng…

Thứ tư, về phía người tham gia bảo hiểm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe của người dân đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua và nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Người dân vì thế đã chủ động hơn trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật để từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có nhiều nội dung đổi mới, nhằm kiến tạo thị trường và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp. Cụ thể,

Một là, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Hai là, thay đổi phương thức quản lý giám sát từ can thiệp sau sang can thiệp sớm nhằm giảm số doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Theo đó, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật để từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế.

Ba là, hoàn thiện định chế về hợp đồng bảo hiểm theo hướng tăng tính minh bạch về sản phẩm (từ phía doanh nghiệp bảo hiểm) và đối tượng được bảo hiểm (từ phía bên mua bảo hiểm) nhằm giảm tranh chấp có thể phát sinh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, an toàn, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ngoài ra, trong năm 2021, các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành bao gồm: Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP; Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội với nhiều khó khăn, thách thức trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhằm tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh. Cơ quan quản lý nhà nước đã, đang triển khai các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ thị trường bảo hiểm.

Theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, các nhóm giải pháp sẽ được triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý: Trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý.

Thứ hai, nâng cao tính minh bạch thông tin, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Thứ ba, phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính. Chuyển đổi mô hình quản lý giám sát bảo hiểm sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới.

Thứ năm, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: hướng tới áp dụng khung tiêu chuẩn năng lực phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của thị trường; ban hành các quy định chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực thông qua hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp; tăng cường công tác đào tạo cán bộ.

Thứ sáu, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm nhằm hệ thống hóa toàn diện bộ dữ liệu ngành Bảo hiểm phục vụ công tác quản lý giám sát và kiểm soát rủi ro, trục lợi bảo hiểm.

Với các kết quả đạt được trong thời gian qua cùng những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường bảo hiểm và triển vọng phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, thị trường bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tạo những bứt phá mới trong năm 2022.

Theo TapchiTaichinh