Thị trường bảo hiểm Việt Nam 2021: Nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng khá

23:25 15/07/2021

Mặc dù vậy với những nỗ lực, tích cực từ phía Chính phủ, doanh nghiệp bảo hiểm và người dân, dự kiến thị trường bảo hiểm năm 2021 này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Đây là nhận định định của ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng điều hành Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính về thị trường bảo hiểm Việt Nam năm nay.

Ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng điều hành Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
Ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng điều hành Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

PV: Thưa ông, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đối với lĩnh vực bảo hiểm và thị trường bảo hiểm, ông có thể cho biết khái quát về tác động của dịch bệnh trong thời gian qua?

Ông Ngô Việt Trung: Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có giãn cách, cách ly xã hội trong thời gian đầu đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Mặc dù vậy, cùng với quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. 

Kết quả hoạt động thị trường bảo hiểm được thể hiện trên các tiêu chí, cụ thể như sau: 

Tính đến nay, thị trường bảo hiểm có 73 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 21 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2020, qua 6 tháng đầu năm 2021, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được đà tăng tích cực. Theo đó, trong 6 tháng 2021, tổng tài sản của toàn thị trường ước đạt 633.757 tỷ đồng (tăng 22,68% so với cùng kỳ năm 2020); đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 520.543 tỷ đồng (tăng 25,82% so với cùng kỳ năm 2020); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 396.855 tỷ đồng (tăng 21,09% so với cùng kỳ năm 2020). Cùng với đó, tổng nguồn vốn chủ sở hữu: ước đạt 149.677 tỷ đồng (tăng 35,45% so với cùng kỳ năm 2020); tổng doanh thu phí bảo hiểm: ước đạt 96.799 tỷ đồng (tăng 16,22% so với cùng kỳ năm 2020); chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 25.511 tỷ đồng (tăng 14,18% so với cùng kỳ năm 2020).

PV: Như ông chia sẻ, mặc dù đại dịch tác động tiêu cực, nhưng thị trường bảo hiểm vẫn giữ được đà tăng trưởng khá ấn tượng. Vậy đâu là nguyên nhân giúp thị trường và các doanh nghiệp chống chịu, vươn lên trong đại dịch?

Ông Ngô Việt Trung: Dù tác động tiêu cực của đại dịch tới các lĩnh vực kinh tế, trong đó bao gồm cả bảo hiểm là không thể phủ nhận, nhưng qua những tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Theo chúng tôi, thị trường tăng trưởng tích cực là nhờ vào sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, với việc thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như: Ban hành chính sách về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm; nâng mức trách nhiệm bảo hiểm; nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo... Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, theo đó Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2021. Giảm mức trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong năm 2020 và năm 2021 từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Ban hành Thông tư số 89/2020/TT-BTC sửa đổi về trích lập dự phòng nghiệp vụ giúp các DNBH giảm sức ép về vốn trong ngắn hạn và có khoảng thời gian phù hợp để thực hiện các phương án tài chính tổng thể, ổn định kinh doanh. Giãn, hoãn kế hoạch kiểm tra các DN; cho phép các DN tổ chức thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo hình thức online... 

Thứ ba, về phía các DNBH đã rất chủ động trong việc thích nghi hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, rà soát, cắt giảm chi phí, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cùng với đó, các DNBH đã đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến, tăng cường giao dịch online, triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội.... Các DN cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện đào tạo đại lý, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng…

Thứ tư, về phía người tham gia bảo hiểm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua và nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Người dân vì thế đã chủ động hơn, sớm tiếp cận và tham gia bảo hiểm.

PV: Qua 6 tháng đầu năm 2021, dù thị trường tăng trưởng vẫn tích cực, nhưng khó khăn vẫn còn phía trước, ông nhận định thế nào về thị trường bảo hiểm năm nay? 

Ông Ngô Việt Trung: Với diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, trong những tháng cuối năm 2021, thị trường bảo hiểm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đáng kể trước tác động của dịch bệnh đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. 

Mặc dù vậy với những nỗ lực tích cực từ phía Chính phủ, DNBH và người dân để tiếp tục mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả. Dự kiến kết quả kinh doanh của các DNBH năm 2021 đối với các chỉ tiêu chính như sau: Tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 682.523 tỷ đồng, tăng 18,98% so với năm 2020; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 567.214 tỷ đồng, tăng 20,96%. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 442.918 tỷ đồng, tăng 21,5%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 218.881 tỷ đồng, tăng 16,92%. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 156.124 tỷ đồng, tăng 22,07%. Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 53.056 tỷ đồng, tăng 10,73% so với năm 2020.

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái/ Theo Đặc san Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2021