Thấy gì từ những con số doanh nghiệp giải thể và thành lập mới?

23:10 24/05/2021

Diễn giải những con số tưởng chừng đầy mâu thuẫn của cơ quan thống kê, những cách nhìn nhận thực tếcủa giới doanh nhân, chuyên gia phần nào mang tới dòng thông tin mới cho dư luận về việc này.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, có 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo cách hiểu thông thường, nhiều người sẽ nhìn nhận ở 2 khía cạnh: lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, chờ làm thủ tục giải thể cao là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường. Khía cạnh thứ 2, ở giai đoạn hiện tại, số doanh nghiệp diện này tăng cao hơn cùng kỳ trước là do “ngấm đòn từ đại dịch”.

Ở chiều ngược lại, bốn tháng đầu năm nay, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân tương đương 14,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có gần 19.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 63.400 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. 

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT) cho hay, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề kinh doanh. 

 Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: "Chúng ta thấy có rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, chờ làm thủ tục giải thể. Tuy nhiên, phản ứng chung của phần nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ là tạm ngưng để đợi xem các xu hướng mới như thế nào chứ không phải ngừng.

Thứ 2, cộng đồng kinh doanh mong muốn gia nhập thì trường vẫn là cao. Bản thân chúng tôi khi quan sát từ thời điểm đỉnh dịch của giai đoạn dịch đầu tiên thì hình dung số liệu này sẽ giảm nhiều, tuy nhiên con số cho thấy đã không phải như vậy. Chúng ta cũng có thể nhìn vào những con số khác nữa, đó là tổng số vốn đăng ký vào thị trường cho thấy quyết tâm của những doanh nhân trong mong muốn triển khai các hoạt động của mình vào thị trường mạnh mẽ hơn trước, rất tích cực".

PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) tỏ ra lạc quan: Số lượng doanh nghiệp giải thể cũng cao, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ nhỏ. Đây là xu hướng đổi mới, tái cấu trúc trong thương mại sang hướng kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số. "Tất nhiên, nó cũng đang phản ánh có 1 số doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt trong nhóm dịch vụ thương mại đang gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn" - PGS TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo chuyên gia kinh tế -TS Nguyễn Đức Độ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng phát triển bằng các hướng đi mới, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm (số lượng tháng 5.2021 chưa được Tổng cục Thống kê công bố) tăng 17%, số vốn đăng ký bình quân đạt 14,2 tỉ đồng/doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang thích nghi dần với khó khăn của dịch bệnh, cố gắng cầm cự, phát triển, vượt qua đại dịch.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh chứng tỏ các nhà đầu tư trong nước đã tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Vốn FDI thực hiện cũng tăng lên, thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tích cực triển khai các dự án.

"Niềm tin kinh doanh cũng tăng, thể hiện đến 86% doanh nghiệp trong công nghiệp chế biến chế tạo cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hoặc tốt hơn; chỉ khoảng 16% cho rằng quý 2 sẽ khó khăn hơn” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CenGroup còn diễn giải, cho thấy những chiều hướng tích cực hơn, khẳng định sự thích ứng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt. "Thực ra không có nghĩa số lượng doanh nghiệp đóng cửa tương ứng với số doanh nhân ngừng hoạt động kinh doanh của mình, thậm chí như tôi biết có nhiều bạn còn mở ồ ạt hơn trong những lĩnh vực khác. Ví dụ, thay vì đóng cửa nhà hàng họ mở ra hệ thống cung cấp đồ ăn và giao hàng tận nhà. Đấy là những phản ứng rất là tốt. Việc đáp ứng nhanh với sự thay đổi nhu cầu của thị trường là sự cần thiết đối với tất cả doanh nhân, doanh nghiệp nói chung"....

Lâm Nghi (t/h)